LẼ SỐNG CÒN

Phần 1




Người dân Việt hiện đang đứng trước một ngã rẽ quyết định vận mệnh : một bên là con đường cái quan đã được tráng nhựa với « một Hiến Pháp mới», nhưng dẫn thẳng xuống lao trường của kẻ nô dịch tân thời; bên khác là con đường đất hãy còn thô sơ của công cuộc đấu tranh dân chủ, nhưng mở lối đưa vào thế giới tự do tiến bộ.

Đâu là gốc ngọn của nguy cơ nô dịch hóa đó ? Đâu là điều kiện để hoàn tất con đường hiện đại hóa chánh trị và xã hội sinh tử kia?

Thực trạng Việt Nam

Tình huống ngày càng giằng xé hiện nay của Việt Nam là hậu quả tất yếu của tác động qua lại giữa sự áp đặt ách cộng sản lên toàn cỏi đất nước năm 1975, cùng cái chánh sách tiếp nối gọi là «đổi mới,» một bên; và bên khác, những biến động xảy ra trên thế giới trong suốt hơn 30 năm qua.

Chánh sách «đổi mới» được khởi xướng từ năm 1986, thoạt tiên noi theo khuôn mẫu gọi là Perestroïka của Gorbatchev ở Liên Xô, nới lỏng kìm kẹp xã hội, giải toả kinh tế, cởi trói văn hóa, nhưng bảo thủ ý hệ, bảo toàn độc quyền thống trị của đảng, hòng cứu vãn chế độ.

Kết quả là đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào Việt Nam; đường xá, cầu cống, điện nước - hạ tầng cơ sở nói chung - được tái thiết qui mô, tài trợ bởi các cơ quan quốc tế, đặc biệt bởi Ngân Hàng Thế Giới (World Bank), và một số nước dân chủ tư bản; du khách ngoại quốc dập dìu lui tới. Qua đó và do hấp lực của trào lưu tiến hóa hiện đại, đặc biệt về mặt công nghệ thông tin và truyền thông, đời sống của người dân nói chung có được cải thiện ít nhiều về phương diện vật chất cũng như trên bình diện tin tức.

Từ ngoài nhìn vào, đất nước quả nhiên thấy có vẻ thay da đổi thịt.

Nhưng đó chỉ là hiệu ứng phiến diện của sự khoả lấp những thiếu thốn cùng cực chồng chất qua các năm kinh tế suy sụp trầm trọng.

Kỳ thật, xã hội thay vì trở nên văn minh tiến bộ thì lại suy đồi, tha hoá, bại hoại, tham nhũng, bất công; quốc gia thay vì dành được uy thế và sự nể trọng thì lại tụt hậu và bị công cụ hoá trên trường quốc tế.

Do đâu lại có một sự mâu thuẫn như thế?

Ấy là do chế độ cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn thất bại về mặt tinh thần và trí tuệ, chánh trị và kinh tế, đạo lý và nhân tâm.

Điều này lại càng nổi bật hơn từ khi khối cộng sản Xô Viết ở Âu châu sụp đổ vào cuối năm 1991. Ngay từ lúc đó, tập đoàn cộng sản chư hầu sống sót ở Việt Nam đã khẩn trương dốc sức khai triển sách lược quỳ mọp bên ngoài đàn áp bên trong, để sinh tồn.

Không có một sự tráo trở nào, không có một trò hèn mạt nào, không có một tội ác ghê tởm nào, mà đảng cộng sản Việt Nam đã chừa ra trong mưu đồ bảo vệ và củng cố độc quyền thống trị đất nước.

Chiêu bài «kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa» được rao giảng như một phép vạn năng mới, không hề là một giác ngộ tư duy hay một thành tựu lý luận gì. Đó chỉ là một mưu toan biện chứng ấu trĩ và hoang đường nhằm kết hợp, trong cơn kinh hoảng, nước và lửa để sinh tồn trong sự tan rã toàn diện của chủ nghĩa cộng sản. Khẩu hiệu kinh tế thị trường được tung ra cốt để đánh bả giới tư bản và tài phiệt quốc tế, và được lập tức kết liền với cái đuôi xã hội chủ nghĩa để khẳng định ý chí độc quyền thống trị đất nước của đảng.

«Hòa giải» với Trung Quốc, được chính thức hoá năm 1991, sau cuộc chiến biên giới Hoa-Việt 1979 và Hội nghị Việt-Trung cấp cao ở Thành Đô 1990, tựu trung là một khuất tất trơ trẽn để cầu xin «người anh Cả» đở đầu ngày nào, mở lượng hải hà dung thứ cho cái tội đã trở mặt tố cáo và bủa vây «tập đoàn bành trướng Bắc Kinh,» vào cuối thập niên 1970, hầu làm tròn nghĩa vụ đối với minh chủ Liên Xô lúc bấy giờ. Dù thế, cái hận «phản phúc» đối với Hà Nội vẫn không được tiêu hóa ở Bắc Kinh và vẫn được tiếp tục tiết ra trong các eo sách lãnh hải ở Biển Đông, và các yêu sách lãnh thổ ở biên giới Việt-Trung.

«Bình thường hóa» quan hệ với Hoa Kỳ năm 1995, là một kế sinh nhai cốt tử, đã phải trả với một cái giá trên nhiều mặt. Trước hết là vô hình trung chối bỏ cái môn bài «phản phong phản đế» mà mình luôn chưng diện, từ những thập niên 20, 30 của thế kỷ trước, để huyễn hoặc nhân dân và dư luận thế giới. Kế đến là mặc nhiên thú nhận đã lừa dối cả dân tộc, lùa một nửa dân Việt vào cái gọi là «chiến tranh chống Mỹ cứu nước,» hòng thực hiện ý đồ cướp quyền thống trị cả nước Việt Nam. Nghiệt ngã hơn nữa là phải sống thấp thỏm trong cái ám ảnh bị rơi vào bẫy «diễn biến hòa bình» của các «lực lượng thù địch» lúc nào cũng lăm le lật đổ chế độ. Và cùng ra là phải khuất thân đón nhận dài dài những chất vấn về «thành tích nhân quyền» từ giới dân cử Mỹ, trong tư thế của một anh bộ đội từ «vùng kinh tế mới» của xã hội chủ nghĩa lên phó hội kinh tế thị trường tự do dân chủ, bị chận hỏi ngoài cửa vì thiếu chiếc «ca vát nhân quyền!»

Luồn lọt quỵ luỵ bên ngoài bao nhiêu thì lại hà khắc và tàn ác bên trong bấy nhiêu.

Quyết tâm bóp chết từ trong trứng nước mọi bất đồng chánh kiến, mọi khác biệt tư tưởng, mọi nhen nhúm phản kháng hay đối lập, đã được biểu dương qua những đợt đàn áp và một loạt phiên tòa, vừa lố bịch, vừa bi hài, vừa điên rồ, nhằm răn đe tất cả mọi thành phần xã hội.

Những bản án được ban ra hay được tiếp tục thực thi, quả thật là già không bỏ nhỏ không tha, nhà tu không chừa, đảng viên cũng không thứ [1].

Trong bối cảnh đó, vở tuồng sửa đổi Hiến Pháp 1992, được chế độ quảng bá rình rang năm này qua tháng nọ để huyễn hoặc dư luận quốc nội và quốc tế, làm tiêu hao không biết bao nhiêu tiền tài, nhân lực và nhân trí, chỉ có thể được kết thúc với cái màn biểu quyết của cái Quốc Hội «đảng cử dân bầu,» ngày 28/11/2013 mà thôi. Văn bản được gọi là «Hiến pháp mới» mà 486/488 đại biểu đã tán thành thông qua, kỳ thật, chỉ là một bản nội quy xác định từ nay nhân dân Việt Nam phải được quản lý thế nào để thích ứng với nhu cầu cập nhật của đảng cộng sản Việt Nam.

Hệ quả tất yếu của đường hướng này là trong cuộc phân công lao động quốc tế đang tiến hành trên thế giới, khiến mỗi quốc gia tập trung chủ lực sản xuất vào lãnh vực kinh tế tương ứng với «lợi thế so sánh» [2] của mình, đưa đến sau cùng cuộc phân chia của cải và quyền lực giữa các nước, vô hình trung Việt Nam đã bị đẩy xuống hố sâu của sự tụt hậu, trầm mình trong «lợi thế so sánh» của dân làm thuê, nước cho mướn, mang vào đầu cái vòng kim cô chánh trị và pháp lý của một «Hiến Pháp» cho kẽ nô dịch tân thời, ngồi sểnh lên các điều kiện sinh tồn sơ đẳng nhứt của một quốc gia hiện đại.

Điều kiện sinh tồn của một quốc gia hiện đại

Thế giới ngày nay đã tiến sâu vào kỷ nguyên của máy vi tính, mạng lưới internet, điện thoại thông minh, biểu trưng của xã hội thông tin và kinh tế tri thức toàn cầu hoá trong đó vận mệnh của mọi tập thể - bất luận là một quốc gia, một tổ chức, hay một xí nghiệp - cũng như đời sống hàng ngày của mọi cá nhân đều phải chịu quy luật của một số điều kiện đặc thù.

Đời sống xã hội

Điều kiện thứ nhứt là con người trong đời sống xã hội phải đáp ứng những đòi hỏi sau đây : tinh thông nghề nghiệp, khả năng sáng tạo, thích ứng linh hoạt, ý thức công dân, và hiệu năng lao động. Điều kiện được thoả mãn đến chừng mực nào là tùy vào thực chất và công hiệu của 4 quyết sách : đào tạo nhân tài, trọng dụng khả năng, chuyển giao tri thức, huấn nghệ liên tục lực lượng lao động. Thành tựu trên 4 bình diện này là điều kiện tiên quyết để một quốc gia có thể hội nhập vào thế giới hiện đại như một đối tác năng động thay vì như một công cụ điều chỉnh bổ túc ngoài lề cho các nước tiên tiến như trường hợp của Việt Nam hiện nay.

Mạng lưới tin tức và tri thức

Song, tác thành đức tính con người cho đời sống xã hội tuy cần nhưng không đủ. Khi được hình thành, các đức tính ấy còn phải được phát huy đúng mức tiềm năng của chúng. Muốn được như thế, việc làm hàng ngày trong mọi lãnh vực xã hội, ở mọi cương vị - tay chân cũng như trí óc - phải được nuôi dưỡng trong một mạng lưới trao đổi tương tác, có khả năng xúc tác óc sáng kiến và tinh thần tín nhiệm lẫn nhau.

Một mạng lưới có chức năng làm chuyển động xã hội như thế cần tin tức và tri thức - như cơ thể con người cần máu và dưỡng khí - để vận hành và lớn mạnh. Đối với một cơ thể, nếu luồng máu bị cản trở không thể lưu thông tự do, nếu dưỡng khí bị ô nhiễm, thì cơ thể tất nhiên sẽ lâm vào tình trạng suy biến, đèo đọt, tật nguyền. Cũng thế, đối với một tập thể vào thời hiện đại, nếu tin tức bị kiểm duyệt, nếu tri thức bị ô nhiễm bởi tuyên truyền, nếu giáo dục bị trấn áp bởi giáo điều, thì tập thể tất yếu sẽ sa vào con đường thoái hóa, suy tàn, diệt vong.

Tự do

Lẽ sơ đẳng đó cho thấy, tự do tư tưởng, tự do thông tin, tự do ngôn luận, tự do đi lại, tự do hội họp, không chỉ là quyền căn bản của con người như bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền 1948 của Liên Hiệp Quốc đã xác định, mà còn là điều kiện của mọi điều kiện để một quốc gia hiện đại có thể hiện hữu và tồn tại trong cái thế giới của xã hội thông tin và kinh tế tri thức toàn cầu hoá ngày nay.

Chỉ khi nào có thể đủ tin là quyền căn bản của con người được bảo đảm bền vững thì các thành phần xã hội, đặc biệt các tác nhân kinh tế, mới nghĩ đến việc xây dựng tương lai, vận dụng sáng kiến, chấp nhận lấy rủi ro, bỏ công bỏ của ra đầu tư và kinh doanh thay vì chỉ tìm cách khai thác kẽ hở của chế độ để sinh tồn. Được như thế, kinh tế mới có hy vọng phát triển thay vì chỉ tăng trưởng phiến diện, xã hội mới trở nên năng động và tiến bộ, văn hóa mới manh nha khởi sắc hồi sinh, nền tảng giá trị văn minh mới có cơ may được trung hưng.

Thể chế và thành phần năng động

Vậy thì cái gì có thể, từng bước, tạo ra cơ sở cho niềm tin đó nếu không phải là một mặt, hiệu lực của những cam kết của thể chế mà Hiến Pháp và Nhà nước là hai bộ phận đầu não; và mặt khác, giá trị tinh thần cùng khả năng thực hành và bảo vệ thể chế ấy của các «thành phần năng động» trong xã hội ?

Vai trò giềng mối của thể chế và quy chế trong tiến trình xây dựng và mở mang một quốc gia, đặc biệt về mặt kinh tế, đã được xác minh qua nhiều kinh nghiệm lịch sử [3] và một số công trình nghiên cứu nghiêm túc [4]. Ý thức này gần đây lại được hiển lộ, từ trong và ngoài đảng, từ trong và ngoài nước, qua nhiều lời kêu gọi : Việt Nam cần phải «đổi mới thể chế» mới có thể chấn hưng đất nước. Đó là một cách rất văn vẻ để xác định nước ta không thể vươn lên nếu không dẹp bỏ chế độ cộng sản.

Thế nhưng, thể chế, tuy cần thiết để tổ chức đời sống tập thể cho một quốc gia, cũng chỉ là một khuôn khổ vô tri. Như Douglass North đã lưu ý : «thể chế chỉ là những ràng buộc do con người tạo ra để uốn nắn mối liên hệ tương tác giữa con người và con người»[4]. Nó có chức năng quy hoạch một miếng đất để công dân của một nước có thể cùng chung sống với nhau. Hẳn nhiên nó là đầu mối tạo ra môi trường - thuận lợi hay bất lợi - cho công cuộc phát triển một đất nước. Nhưng tự nó, nó không có khả năng làm chuyển động xã hội; tự nó, nó không thể đưa một quốc gia bước vào con đường phát triển và phồn vinh [5].

Miếng đất đó có sinh hoa kết quả, trở nên trù phú hay không là do khả năng và công trình của lớp người có nghĩa vụ gieo mạ, vun trồng và tu bổ miếng đất; và mặt khác, do chất lượng của giống mạ được gieo xuống cùng phẩm chất của miếng đất.

Trong tiến trình dựng nước, mỡ mang nước, và gìn giữ nước của một dân tộc, lớp người gieo mạ trong ẩn dụ trên chính là «thành phần năng động» của xã hội. Khác với quan niệm thông thường về «kẻ sĩ» ngày xưa và «trí thức» ngày nay, khái niệm «thành phần năng động» ở đây không hàm chứa một âm hưởng đạo đức hay một tinh thần giai cấp nào. Nó cũng không giới hạn ở giới quan chức, cán bộ, khoa bảng, hay hoạt động trí óc. Ở đây, nó được dùng để chỉ định hiện tượng thiểu số tích cực và có biệt tài, hiện hữu tất yếu trong mỗi lãnh vực và ngành nghề của đời sống tập thể, tự tiến lên, không để chiếm lĩnh đặc quyền đặc lợi, mà trái lại để đảm đương nhiệm vụ làm chuyển động đời sống quốc gia. «Thành phần năng động» ở đây có thể được hiểu như «thành phần ưu tú» của xã hội theo cái nghĩa mà Vilfredo Pareto, nhà xã hội học và kinh tế học lớn của đầu thế kỷ 20, đã định cho từ này trong cái thuyết nổi tiếng của ông về «sự luân chuyển của các thành phần ưu tú» [6].

Còn về giống mạ được gieo xuống và miếng đất cần được vun bón, một số nhà tư tưởng cận đại đã nêu bật lên vai trò của tín ngưỡng, văn hoá, tinh thần và dân trí [7].

Chung quy lại, muốn tiến lên, một dân tộc cần phải đi trên hai cái chân của mình : chân của thể chế và chân của thành phần năng động. Trong tiến trình đó, động cơ chủ yếu là tác động qua lại giữa sự hình thành thể chế một bên; và bên khác, sự hiện thành của thành phần năng động; xuyên qua một hệ giá trị tinh thần, văn hóa và tín ngưỡng. Xung lực khởi thuỷ mở ra cuộc vận hành dĩ nhiên chỉ có thể xuất phát từ thành phần năng động, nhằm thiết lập hay cải tổ hoặc hoàn thiện một thể chế để đáp ứng lại đòi hỏi của thời đại. Thành tựu có thể đạt được ở bước đi này, do kiến trúc, sẽ được tích tụ vào thể chế, để rồi từ đó tạo ra điều kiện làm thăng hoa giá trị tinh thần và thăng tiến thành phần năng động. Một cái vòng thoát tự nhiên được tạo ra, đưa cả nước đi vào con đường tiến bộ và phát triển vật chất lẫn văn minh.

Lịch sử cận đại đã cho thấy, với một thành phần năng động có ý thức bén nhạy về nghĩa vụ công dân và quyền lợi chung, đủ ý chí và đởm lược để thực hành và bảo vệ một thể chế đề cao giá trị tự do, đề xướng một Nhà Nước mạnh nhưng hạn chế và được kiểm soát, đề bạt lòng tín nhiệm, ưu đải óc sáng kiến; một quốc gia có thể, trong vòng một hai mươi năm, thoát khỏi tình trạng nghèo đói để hoàn thành một nền kinh tế tiên tiến phồn vinh. Đó là trường hợp của 3 nước Đức (ngay trước khi được tái thống nhứt vào tháng 10, 1990,) Nhật Bản và Nam Hàn. Sau khi trải qua một cuộc chiến cực kỳ tàn phá, cả 3 nước, chỉ trong vòng một thế hệ, đã vượt khỏi tình trạng điêu tàn để xây dựng thành công, mỗi nước một cách, một nền kinh tế tân tiến bật nhứt với những công ty hàng đầu thế giới, Volkswagen và Siemens, Toyota và Sony, Samsung và Hyundai. Trong khi, dưới « sự chỉ đạo của tư tưởng Hồ Chí Minh » và ách thống trị của đảng cộng sản, sau hơn 25 năm «đổi mới,» xét trên thu nhập đầu người, Việt Nam vẫn phải cần 51 năm mới bắt kịp Nam Dương, 95 năm mới bắt kịp Thái Lan và 158 năm mới bắt kịp Singapore (theo báo cáo phát triển 2009 của Ngân Hàng Thế Giới.)

Lẽ thịnh suy của thời đại

Dưới góc độ đó, vở tuồng tán thành thông qua «bản Hiến Pháp mới» 2013 của Quốc Hội, khẳng định độc quyền thống trị đất nước của đảng cộng sản, trong sự thờ ơ của thế giới, với một dư luận Việt Nam vô cảm hay bị vô hiệu hóa, là tín hiệu báo động sự ra đời của một chu kỳ vô cùng đen tối và bi đát cho dân tộc Việt Nam.

Nguy cơ này hiển hiện dưới lăng kính của cuộc khủng hoảng tài chánh và kinh tế toàn cầu, bộc phát vào mùa hè 2007 ở Hoa Kỳ; cuộc khủng hoảng trầm trọng nhứt từ cuộc Đại khủng hoảng 1929 đến nay. Nó đã tác động như một tấm kiếng hiển vi, soi rọi các động lực nhào nặn thế giới ngày nay và nêu bật lên sự xung khắc giữa đường hướng của tập đoàn cộng sản Việt Nam và lẽ thịnh suy của thời đại.

Lịch trình tiến hoá của hai công ty hàng đầu thế giới, Apple (Mỹ) và Samsung (Nam Hàn), minh họa hết sức rõ nét điều này [8].

Nó đủ cho thấy trong thế giới ngày nay, tương lai của các dân tộc đều bị chi phối bởi hai hấp lực mãnh liệt : xu thế đổi mới không ngừng của tri thức và công nghệ, và môi trường tranh đua chồng chéo toàn cầu giữa các quốc gia và giữa các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, quyền lợi tự nhiên của các nước tiên tiến là, một mặt, thu hút và nuôi dưỡng nhân tài cùng trí tuệ; và mặt khác, tìm cách giới hạn số đối thủ cạnh tranh, tức rào cản sự nhập cuộc của những đối thủ ló dạng, có khả năng hay tiềm năng cạnh tranh lại mình.

Với một dân số hơn 90 triệu, tương đối trẻ [9], bẩm tính cần cù, hiếu học và sáng trí, như đã được biểu hiện qua các thế hệ sinh viên có cơ may được thụ huấn ở các Đại học hàng đầu thế giới, Việt Nam có tiềm năng của một đối thủ ló dạng như thế. Vậy, các Đại cường và lân bang có cần toa rập hay đồ mưu để ngăn ngừa một cuộc trổi dậy tiềm tàng của Việt Nam không ?

Giải đáp đúng đắn vấn nạn này sẽ giúp soi sáng con đường trước mặt của dân ta.

Quyền lợi của các đại cường và quyền lợi của chế độ

Trong suốt mấy mươi năm qua, phần lớn cấp lãnh đạo chánh trị và giới có ảnh hưởng trong quá trình hoạch định chánh sách quốc gia của các Đại cường, đặc biệt ở Tây phương, đều bị chi phối bởi một luận thuyết.

Luận thuyết cho rằng nền bang giao quốc tế hiện đại, trong căn bản, là một chiến trường kinh tế hay ít ra là một hệ thống tương tác trong đó mỗi thành viên chỉ có thể hưởng lợi trên thiệt hại của các thành viên khác mà thôi (thuật ngữ toán và kinh tế gọi đó là một « trò chơi tổng bằng không » [10].) Và một mối lo canh cánh của họ là lại thấy xuất hiện một nước Nhật Bản mới hay một nước Nam Hàn khác, trên bàn cờ kinh tế thế giới [11].

Đây là một ám ảnh tuy không hẳn hoàn toàn phi lý hay vô căn cứ, nhưng lại quá thường khi được biến thành một đòn bẩy chánh trị, thổi phòng hoặc uốn nắn sự kiện, để ứng phó với các vướng mắc kinh tế gặp phải trong nước; hoặc để biện minh cho những đối sách bảo hộ nhằm vô hiệu hoá khả năng cạnh tranh của một số đối thủ [12].

Tuy nhiên, trong trường hợp Việt Nam, mối ưu lo và đòn bẩy chánh trị này không mảy may cần thiết, ít ra trong hiện tại và ở một tương lai dự đoán được. Bởi lẽ nước Việt Nam cộng sản đã tự giam mình vào trong một mô hình hoàn hảo cho quyền lợi của các Đại cường, về mọi mặt, đặc biệt về mặt kinh tế và địa chánh trị. Hơn nữa, tập đoàn cộng sản nắm quyền không ngớt khẳng định ý chí bảo đảm vững chắc sự phân chia vai trò và quyền lợi của mô hình đó, mặc nhiên phơi bày tất cả sự mù lòa, dốt nát và ngoan cố của mình trước quy luật đào thải nghiệt ngã của thời đại.

Quy luật đó vận hành ra sao và tác hợp thế nào với chứng tật của chế độ cộng sản Việt Nam để dồn ép dân ta vào con đường nô dịch ?

Luật đào thải

Sau mấy mươi năm thực hành, các nước tiên tiến nay đã thấm nhuần tất cả lợi hại của cơ chế thay thế tối đa việc làm tay chân bởi việc làm trí óc của cuộc cách mạng thông tin và tri thức của hậu bán thế kỷ 20, còn được gọi là «cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba.» (hay nền kinh tế tri thức, hoặc nền kinh tế mới.)

Tuy đã được phát động từ «cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhứt» ở Âu châu vào cuối thế kỷ 18 [13], cơ chế này chỉ được khuếch trương qui mô và có hệ thống vào giữa thế kỷ 20 với sự hình thành của «nền kinh tế mới» phối hợp kinh nghiệm thực hành, năng lực kỹ thuật và tri thức khoa học để phục vụ hẳn hoi mục tiêu kinh tế, đặc biệt xuyên qua công nghệ cao.

Khác với nền kinh tế truyền thống được xây dựng trên công cuộc khai thác và quản lý tài nguyên khan hiếm để sản xuất ra vật dụng, «nền kinh tế mới» được khai triển chủ yếu trên một nguồn lực vô tận : tri thức [14], để sản xuất ra sản phẩm tri thức (một phần mềm hay một hệ điều hành của máy điện toán chẳng hạn, chỉ là một giải thuật toán học, tức một sản phẩm thuần tri thức) hay có hàm lượng tri thức cao (máy vi tính, người máy, công nghệ sinh học, công cụ quản lý tài sản tài chánh, v.v.) Vô tận vì tri thức được sản sinh, tích tụ, và lớn mạnh theo hoạt động trí tuệ của con người. Mà trí tuệ của con người là vô biên, nếu không bị quản thúc, không bị bóp méo, hay nói cách khác, nếu được phát huy và phát triển tự do. Hơn nữa, một sản phẩm tri thức lại mang tất cả đức tính của cái mà ngôn ngữ kinh tế gọi là «hàng hoá công ích không kình địch» : nó có thể được sử dụng hay tiêu dùng cùng lúc bởi vô số người mà không bị tắc nghẽn, không bị hao mòn, trái lại càng thăng tiến theo số người tiêu dùng, và đấy là động lực chủ yếu thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế [15].

Do đó, sự lên ngôi của một hệ thống kinh tế vận dụng trực tiếp tri thức như nhập liệu để sản xuất ra hàng hoá, đặc biệt hàng hoá tri thức, khiến nhiều người lạc quan kỳ vọng sự ra đời của một kỷ nguyên mới cho nhân loại [16]. Một kỷ nguyên bình đẳng, xóa bỏ khái niệm khan hiếm. Tất cả mọi quốc gia, đặc biệt quốc gia nghèo về tài nguyên thiên nhiên và trần trụi về tư bản tài chánh, nhưng biết gầy dựng vốn liếng con người và trọng dụng nhân tài, đều có thể tiếp thu và khai thác nguồn lực tri thức và như thế đều có một chân đứng trên con tàu phát triển của thế giới hiện đại.

Thực tiễn của ba mươi năm qua cho thấy kỳ vọng trên đã bị dập tắt bởi 3 cơ chế đào thải nghiệt ngã của nền kinh tế tri thức : cạnh tranh, tả phân của cải, và phân công lao động quốc tế. Ba cơ chế hiện chi phối nặng nề điều kiện phát triển của nước ta, và qua đó nêu bật lên tính bất cập và phi lý của các chánh sách kinh tế áp đặt bởi tập đoàn cộng sản Việt Nam.

Cạnh tranh

- Cạnh tranh là điều kiện ắt có của kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế truyền thống, hơn thua giữa các đối thủ được định đoạt bởi khả năng kiềm chế chi phí sản xuất và nâng cấp quan hệ giá cả /chất lượng của hàng hoá; trong nền kinh tế tri thức, nó tuỳ thuộc chủ yếu vào năng lực sáng chế của các tác nhân, mọi điều khác đều bằng nhau. Sáng chế không chỉ trong địa hạt sản xuất, quản lý và tiếp thị để chiếm ưu thế trên thị trường, mà xung yếu hơn cả là sáng chế ra hàng hoá và dịch vụ tân kỳ để vừa đáp ứng vừa uốn nắn kịp thời thị hiếu ngày càng đa dạng và luôn chuyển đổi của người tiêu dùng, ở quy mô toàn cầu (xem lịch trình tiến hoá của hai công ty Apple và Samsung [8].) Trong động thái đó, tri thức hiển nhiên là một nguồn lực chiến lược trọng yếu. Vì thế, các doanh nghiệp, các quốc gia, các khu vực, đều tranh đua nhau quyết liệt để chiếm hữu thành quả lẫn nguồn mạch của tri thức bằng cách một mặt, gồm thâu các văn bằng sáng chế khoa học và công nghệ; và mặt khác đào tạo và chiêu dụ nhân tài. Kết quả là tri thức từ một nguồn lực vô tận mặc nhiên được biến thành một tài nguyên khan hiếm. Các mạng lưới nghiên cứu khoa học và công nghệ, hùng hậu về nhân tài và dồi dào về tài chánh, vận hành theo một mô thức trao đổi tin tức và tri thức tự do, tất nhiên chiếm ưu thế, lôi cuốn và thu hút hầu hết các phần tử gạo cội. Một quá trình tích tụ tri thức và trí tuệ hết sức bất cân xứng được hình thành. Ở quy mô toàn cầu, nó gây ra nạn chảy máu chất xám cho các nền kinh tế còn non kém hay mới nổi [17]. Ở quy mô quốc gia, nó tạo ra xu thế phân bổ đầu tư và tài năng hết sức chênh lệch giữa các ngành nghề kinh tế [18].

Tả phân của cải

- Trong mọi lãnh vực xã hội, phần tử không có khả năng góp phần tạo ra nguồn lực tri thức, dần dà bị hạ cấp và gạc qua bên lề của trào lưu tiến hóa. Thị trường lao động được phân cực triệt để, làm thay đổi tận gốc rể các ngành nghề và giai cấp xã hội - đặc biệt giai cấp trung lưu - với một cơ chế tả phân lợi tức và tài sản hết sức bất bình đẳng [19]. Các chuyên gia lành nghề, vượt trội về khả năng sáng tạo, được đặc biệt ưu đãi và thường giành được lợi tức hay lợi lộc phi thường [20]. Các phần tử kém về trí tuệ, nghèo về sáng kiến, làm công việc theo thói quen nếp củ, thì bị ngược đãi trong nền kinh tế sản xuất ý niệm và tri thức, muôn phần khắc nghiệt hơn các phần tử nghèo về tài sản trong nền kinh tế sản xuất đồ vật. Các hoạt động kém về chất lượng công nghệ, thâm dụng nhân công thiếu tay nghề, lần lượt được thuyên chuyển qua các nước có chi phí sản xuất thấp về lao động, năng lượng, đất đai [21].

Phân công lao động quốc tế

- Cuộc phân công lao động quốc tế được định hình như thế, diễn tiến ngày càng gia tốc với cuộc khủng hoảng 2007 : ở các nước tiên tiến mà phần lớn nằm ở bán cầu Bắc, cơ chế thị trường thúc đẩy guồng máy kinh tế tập trung vào các hoạt động sản xuất ý niệm và tri thức có giá trị gia tăng cao và môi trường tiêu thụ toàn cầu; các nước mới nổi hay chậm tiến, thường thuộc bán cầu Nam, lãnh phần sản xuất vật dụng tương ứng với các ý niệm và tri thức ấy. Ví dụ : phần mềm, phần trang bị và kiểu dạng của máy điện toán hay điện thoại thông minh được sáng tạo ở bán cầu Bắc, phần cứng bộ máy được chế tạo hay ráp lắp ở bán cầu Nam; phim bộ truyền hình được soạn thảo ở bán cầu Bắc, máy truyền hình được chế tạo ở bán cầu Nam; y phục thời trang được thiết kế (kiểu dạng, tiếp thị,v,v.) ở bán cầu Bắc, phần may vá được đảm đương ở bán cầu Nam; v,v.

Trong thực tiễn, các hoạt động kinh tế ở quy mô toàn cầu được phân bổ qua những luồng giao thương và những dòng vốn, đặc biệt những dòng đầu tư trực tiếp của nước ngoài (từ đây viết tắt là FDI cho Foreign Direct Investment.) Thể thức hình thành những luồng giao thương và những dòng vốn này phản ảnh tương quan quyền lực giữa các quốc gia.

Một quốc gia điều khiển bởi một chánh quyền có bản lãnh chánh trị, thường giành được, trực tiếp hay qua các doanh nghiệp mà mình hổ trợ, một công thức chuyển giao công nghệ trong các chương trình FDI, để góp phần hiện đại hóa và củng cố nền kinh tế quốc gia. Ấn Độ, Ba Tây, hay Trung Quốc chẳng hạn, đã từng làm được việc đó trong các cuộc thương thảo vùa qua với các đối tác Tây phương [22].

Một quốc gia cai trị bởi một chánh quyền lụn bại, tha hóa, chỉ có thể thủ vai trò thụ động của một nước cung cấp đất, nhân công, nguyên liệu và hạ tầng cơ sở mà thôi. Đó là trường hợp của Việt Nam trong hầu hết các chương trình FDI hiện hữu.

Nhất cụ và rốn bà

Dù muốn hay không, Việt Nam hiện nay và trong một thời gian dài bất định, vẫn phải chịu sức ép trực tiếp của cuộc cách mạng thông tin, tri thức và công nghệ, đã làm thay đổi sâu sắc, từ bốn mươi năm qua, trật tự chánh trị, cấu trúc kinh tế, và nền tảng văn minh của thế giới. Cách tiếp cận với nó của Nhà Nước Việt Nam dĩ nhiên cầm cố nặng nề vận mệnh của ngưòi dân Việt.

Đặc trưng và đòi hỏi của cuộc cách mạng này đã được trình bày giản lược bên trên. Đó là căn bản quy chiếu cần thiết để thẩm định thành quả và triển vọng của các chánh sách do Đảng-Nhà Nước cộng sản Việt Nam lần lượt áp đặt trong suốt 40 năm qua, kể từ ngày Việt Nam được thế giới nhìn nhận như một nước thống nhứt và độc lập, ít ra từ 1995 khi quan hệ Việt Mỹ được bình thường hoá.

Trong bản chất, trong hành vi, trong vận hành, Đảng-Nhà Nước cộng sản Việt Nam chẳng có gì khác biệt đáng kể so với Đảng-Nhà Nước cộng sản ở các nước khác, trái với mơ tưởng của một số «chuyên gia về Việt Nam », và một số đảng viên phản tỉnh. Thành phần này luôn tin rằng cộng sản Việt Nam là một ngoại lệ vì trọng lượng dân tộc tính của nó, và trong tương lai vẫn còn có cơ may nó sẽ «hồi tâm trở về với dân tộc,» sẽ tự giác để «đổi mới thể chế» hầu thiết lập một nền dân chủ quốc gia chân chính cho đất nước.

Mơ tưởng này hiển hiện trong một số «đề nghị dân chủ hoá Việt Nam» của một vài nhân vật tự biên, tự diễn như là «chuyên gia nặng lòng với Việt Nam,» cũng như trong những lời kêu gọi «đổi mới thể chế» của một số trí thức và đảng viên kỳ cựu. Nó cho thấy hiện vẫn còn đầy rẫy những người, mặc dù đã ê chề, bảy nổi ba chìm với cộng sản Việt Nam, hay đã từng mục kiến không biết bao nhiêu lừa dối, tai vạ và tội ác do nó gây ra, nhưng vẫn chỉ có thể suy nghĩ và suy luận, trong khuôn khổ do nó đặt ra. Vì sao ?

Ấy là vì trong tiềm thức họ đã bị trấn áp bởi cái huyền thoại đảng cộng sản Việt Nam là hiện thân của cuộc chiến dành độc lập dân tộc, đã có công thống nhứt đất nước, và như thế có đủ chính danh để cai trị quốc gia. Do đó, họ chỉ có thể suy tưởng tương lai với tiền đề là vận mệnh của dân tộc Việt Nam tuỳ thuộc hoàn toàn vào «khả năng và trí tuệ» của cấp lãnh đạo cộng sản Việt Nam ! Và cho dù đôi khi, trong một tia loé của lương tri, họ lên tiếng tố cáo thẳng thừng những sai lầm, những thất bại, thậm chí những tội ác của đảng cộng sản Việt Nam, nhưng chung quy cũng chỉ để đi đến kết luận là thỉnh nguyện bạo chúa hãy hồi tâm trở về với dân tộc ! Than ôi ! Đó là phương cách chắc chắn nhứt để cũng cố quyền lực của tập đoàn cộng sản và khuyến khích nó hãy cố bám lấy chiếc ngai quyền bính. Không cần phải là tiến sĩ về môn này hay giáo sư về ngành kia, chỉ cần là một học sinh trung học, hay một lao công xách nước cũng có thể hiểu là nếu dân Nga và dân Đông Âu tiếp tục tin là vận mệnh của họ tuỳ thuộc vào «khả năng và trí tuệ» của cấp lãnh đạo cộng sản của nước họ, thì giờ này bức tường Bá Linh vẫn còn đứng sừng sững giữa trời và khối Xô viết vẫn còn trị vì oai vệ ở trần gian.

Trong thực tế, cho dù có những khác biệt thế nào về trình độ phát triển kinh tế, công nghệ, chánh trị; về mặt văn hoá và tôn giáo; về vị trí địa dư; và về thời kỳ bị cộng sản hoá; các xã hội cộng sản đều được tổ chức và vận hành giống hệt nhau [23]. Igor Chafarévitch đã chỉ rõ ra tính phi lịch sử và sự trùng lặp của các chủ nghĩa toàn trị, và qua đó phản bác lại quy luật duy vật sử quan của Mác (K. Marx) và Ăng ghen (F. Engels.) Quy luật này, như ta biết, khẳng định rằng chủ nghĩa xã hội là hệ quả tất yếu của, một mặt, một giai đoạn tiến hoá nhứt định của «các lực lượng sản xuất» và, mặt khác, «các mâu thuẩn nội tại của chủ nghĩa tư bản» [24].

Đảng-Nhà Nước cộng sản Việt Nam không nằm ngoài mẫu số chung của các chế độ toàn trị nêu trên. Thật ra, Việt Nam quả có một điểm ngoại lệ hay đúng hơn một «lợi thế so sánh» vô song mà các Đại cưòng và các nước láng giềng đều thấy rõ lợi ích cho họ trong bối cảnh địa chánh trị hiện nay, trong khi đa số người Việt lại không thấy tất cả tác hại của nó trên đất nước mình. Đó là cái chứng tật tự kỷ mà các sĩ phu Bắc hà nhà ta gọi là tuyệt kỹ «nhất cụ, rốn bà» : đàn ông thì cho là cái gì «cụ đây cũng nhất cả,» đàn bà thì xem trời đất, thiên hạ, đều chỉ có thể «nằm trong cái dốn của bà mà thôi.» Do đó, không lạ gì, sau khi ách cộng sản được áp đặt lên toàn cỏi Việt Nam vào ngày 30 tháng 4, 1975, người ta thường nghe «bên thắng cuộc» [25] hách dịch rao giảng : «từ nay không còn có kẽ thù nào dám động đến ta.»

Với cuộc chuyển hoá toàn cầu đưa đến một trật tự chánh trị thế giới mới, các Đại cường và các láng giềng của Việt Nam đều thấy rõ lợi ích hiển nhiên của nước cờ khai thác «lợi thế so sánh» địa chánh trị và tâm thần cùng di sản lịch sử của một nước Việt Nam được xem là trong tiềm thức vẫn tự kiêu, tự đại về thành tích bách chiến bách thắng của mình, để chuyên môn hoá nó vào vai trò của một tiền đồn rào cản sự trổi dậy của Trung Quốc.

Động thái «xích gần lại Việt Nam» thời gian gần đây của một số cường quốc và một số láng giềng, nằm trong cái nhìn chiến lược đó.

Nhật Bản đang đẩy mạnh đối thoại an ninh với Việt Nam, tài trợ chương trình tăng cường hải quân Việt Nam, dễ dãi hơn nữa trên vấn đề các nguồn tài trợ ODA [26]. Ấn Độ mỡ rộng hợp tác thăm dò dầu khí ở Biển Đông, khai triển hợp tác quốc phòng, hổ trợ nổ lực hiện đại hoá quân sự, huấn luyện lực lượng tàu ngầm cho Việt Nam. Nam Hàn, qua các doanh nghiệp, đặc biệt tập đoàn Samsung, tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở lớn ở Việt Nam. Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương thân thiện, ân cần với Việt Nam hơn trên các diễn đàn ngoại giao ...

Về phía Hoa Kỳ, siêu cường toàn cầu, vấn đề dĩ nhiên không thể giới hạn ở một giai đoạn chiến lược nhằm rào cản sự trổi dậy của Trung Quốc. Nó phải được thẩm định một cách bao quát hơn với cái chiều dày lịch sử bắt nguồn từ tháng 4, 1945 với cuộc gặp gở giữa phái đoàn của sĩ quan tình báo Archimedes Patti với Hồ Chí Minh ở biên giới Việt-Hoa.


Còn tiếp...

7 tháng 12 năm 2014

Trần Văn Tòng


[1] - Nào là Cha Nguyễn Văn Lý và Thượng Tọa Thích Thiện Minh, nào là blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và Trương Duy Nhất, nào là cựu sĩ quan Tạ Phong Tần và Trần Anh Kim, nào là thiếu niên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha, nào là nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình, nào là doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức và luật sư Lê Quốc Quân, nào là nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Xuân Nghĩa và cựu học giã Fulbright Lê Công Định, nào là anh em nông dân Đoàn Văn Vươn, nào là cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Hữu Cầu và tín đồ Hòa Hảo Mai Thị Dung, nào là công dân Đỗ Thị Minh Hạnh, Phạm Thanh Nghiên, Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Quang Lập, v.v., kể không xiết. Khối «tội nhân» và tù nhân được chế độ sản sinh ra như thế được sử dụng như một quỹ dự trữ tiền tệ nhân quyền để mặc cả một số thoả thuận với các nước dân chủ mà chủ yếu là Hoa kỳ. Đó là trường hợp của Nguyễn Chí Thiện hôm qua và của Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải hôm nay.

[2] – «lợi thế so sánh» là một thuyết về thương mại quốc tế do nhà kinh tế Anh, David Ricardo, đề xướng ra vào đầu thế kỷ 19. Thuyết nguyên thuỷ này tuy thường được đánh giá là thô sơ nếu không phải là ngay thơ, nhưng đã đặt được nền móng cho một cơ chế quan trọng trong thương mại quốc tế. Nó được bổ xung và hoàn thiện về sau bởi nhiều thế hệ kinh tế gia, đặc biệt Stuart Mill, Ohlin, Heckscher, Samuelson, Leontief, Krugman. Lợi thế so sánh là lợi thế tạo ra cho một nước bởi chi phí sản xuất của một mặt hàng tương đối thấp hơn so với một nước khác. Lý thuyết lợi thế so sánh xác định một nước nên chuyên môn hoá sản xuất trên mặt hàng mà mình có lợi thế so sánh và mở cửa giao thương với các nước khác. Cuộc phân công lao động quốc tế được hình thành như thế sẽ đưa đến điểm tối ưu cho cả nền kinh tế thế giới.

[3] - Xem chẳng hạn : World Development Report 1991, The challenge of development (Thách thức phát triển,) World Bank, Washington D.C.

[4] – Chẳng hạn : Douglass North (Nobel Kinh Tế 1993,) Institutions, Institutional Change and Economic Performance (Thể chế, chuyển đổi thể chế và hiệu năng kinh tế,) Cambridge University Press, Cambridge, 1990.
Silvio Borner, Frank Bodmer, Markus Kobler, L´efficience institutionnelle et ses déterminants, le rôle des facteurs politiques dans la croissance économique (Về căn nguyên của hiệu năng thể chế, vai trò của nhân tố chánh trị trong quá trình tăng trưởng kinh tế,) OCDE, 2004.

[5] - Kinh nghiệm lịch sử cận đại cho thấy thể chế có tác động phi cân xứng trên tiến trình phát triển của một quốc gia. Một thể chế dân chủ tự do hiển nhiên là một điều kiện ắt có nhưng không đủ để cho một quốc gia bước vào con đường phát triển và phồn vinh. Nhưng một chế độ chuyên chế như chế độ cộng sản, là điều kiện đủ để giam hảm một quốc gia vào cái vòng luẩn quẩn của tệ nạn chậm tiến.

[6] - Vilfredo Pareto (1848-1923) là một nhà xã hội học và kinh tế học Ý hàng đầu của thế kỷ 20. Một trong những đóng góp đáng kể của ông là thuyết về «sự luân chuyển của các thành phần ưu tú.» Theo Pareto, tất cả mọi xã hội, khi đã vượt qua giai đoạn sơ khai, đều không tránh khỏi bị phân hoá ra nhiều thành phần và thứ bậc. Mọi lãnh vực của đời sống xã hội đều dựa trên một đa số thụ động và một thiểu số năng động tài ba. Pareto gọi thiểu số này là thành phần ưu tú. Từ ưu tú ở đây không hàm chứa một phê phán đạo đức hay một tinh thần tôn vinh giai cấp nào. Chính thành phần ưu tú là động cơ làm chuyển vận xã hội. Xã hội có bao nhiêu lãnh vực hoạt động (chánh trị, quân sự, khoa học, công nghệ, kinh tế, kinh doanh, văn hoá, nghệ thuật, thể thao, khuân vác, pháp luật, trộm cướp, tu hành, v.v.) thì lại có bấy nhiêu thành phần ưu tú. Bản thể của thành phần ưu tú phản ánh thực trạng và phẩm chất của xã hội. Không có một thành phần ưu tú nào là bất di bất dịch. Mọi thành phần ưu tú đều bị chi phối bởi quy luật dao động. Do đó tôn ti thứ bậc của mọi xã hội, dù là một xã hội đẳng cấp như xã hội phong kiến hay xã hội cộng sản, sau cùng rồi cũng phải biến đổi. Và Pareto lập thuyết rằng lịch sử của xã hội loài người là lịch sử của sự luân chuyển của các thành phần ưu tú, cũng như Mác (Karl Marx) và Ăng Ghen (Friedrich Engels) khẳng định lịch sử của nhân loại là lịch sử của cuộc đấu tranh giai cấp. Xem Vilfredo Pareto,Traité de sociologie générale (chuyên luận về xã hội học tổng quát,) Genève, Librairie Droz, 1968.

[7] - Max Weber, một «thánh phụ» của môn xã hội học của thế kỷ 20, đã nghiên cứu ảnh hưởng của tôn giáo trên óc kinh doanh, đặc biệt tác động của đạo lý Tin Lành trên quá trình tạo dựng và tích lũy của cải, và qua đó trên quá trình tăng trưởng kinh tế. Xem Max Weber, L’éthique protestante et l’esprit du capitalisme (Đạo lý Tin Lành và óc tư bản,) Plon, Paris, 1967.
Douglas North thoạt tiên khảo sát hệ luỵ của các loại thể chế trên đời sống kinh tế và qua đó lý giải quá trình tăng trưởng hay suy thoái của một nền kinh tế. Tiếp theo, ông tìm hiểu vì sao trong một xã hội, thể chế này được hình thành thay vì thể chế khác (chẳng hạn chế độ cộng sản thay vì thể chế dân chủ tự do.) Và ông tìm giải đáp trong các mô thức tinh thần được tác thành bởi văn hoá và tín ngưỡng, và mặt khác trong các «quá trình nhận thức» hiện hành trong xã hội, hay đơn giản hơn, trong dân trí. Xem Douglass North, Understanding the process of economic change (Tìm hiểu quá trình chuyển đổi kinh tế,) Princeton University Press, 2005.

[8] - Ở ngay đỉnh cao của cuộc khủng hoảng, vào những năm 2008-2009, khi hàng loạt xí nghiệp phải phá sản (kể cả những tập đoàn kỳ cựu và hàng đầu của Hoa Kỳ, như công ty sản xuất xe hơi General Motors và ngân hàng Lehman Brothers); khi nạn thất nghiệp lan tràn, đạt mức kỷ lục ở Hoa Kỳ và Âu châu; khi dân chúng khắp nơi phải thắt lưng buộc bụng; thì cũng là lúc mà Apple lấy quyết định tung vào thị trường toàn cầu một loạt sản phẩm công nghệ số, cao cấp, mới lạ, mắc tiền (Ipod, Iphone, Ipad). Samsung lập tức nối gót đuổi theo. Cả hai công ty đã cùng nhau cạnh tranh kịch liệt để kiểm soát thị trường mới này qua hàng loạt vụ kiện tụng, với cả chục triệu đô la tiền phí tổn luật pháp và hàng tỉ đô la tiền phạt vi phạm bằng sáng chế. Qua quá trình đó cả hai đã cùng xây dựng thành công một quyền lực công nghệ, thương mại và tài chánh vượt lên trên hẳn nhiều quốc gia tầm cỡ Việt Nam. Apple chẳng hạn, có một quỹ tiền mặt nay đã lên đến 155 tỉ đô la tức hơn 3 lần ngân sách nhà nước Việt Nam và thị giá của công ty đã vượt lên hàng đầu thế giới vào ngày 22/08/2012 với 622 tỉ USD (700 tỉ USD ngày 25/11/2014,) tức hơn 4 lần Tổng sản phẩm trong nước năm 2012 của Việt Nam.

[9] – Theo CIA The World Factbook 2014, dân số Việt Nam được ước tính vào tháng 7/2014 là 93,4 triệu với tuổi trung vị (lằn ranh chia dân số ra hai phần bằng nhau) là 28,7. So với Trung Quốc : 36,7 - Nhật : 46,1 - Nam Hàn : 40,2 - Ấn Độ : 27 - Úc : 38,3 - Đức : 46,1 - Hoa Kỳ : 37,6. Như thế Việt Nam và Ấn Độ là hai nước có dân số trẻ hơn đáng kể đối với các quốc gia lớn đặc biệt Nhật, Nam Hàn và Trung Quốc. Theo Tổng cục thống kê, dân số Việt Nam vào tháng 4/2014, theo kiểm kê dân số, là 90,5 triệu.

[10] - «trò chơi tổng bằng không»«trò chơi tổng khác không» (tất cả các đấu thủ cùng hưởng lợi cùng lúc) là hai khái niệm cơ bản của «Lý thuyết trò chơi,» một bộ môn toán ứng dụng nghiên cứu cách các đấu thủ trong một cuộc tương tranh - một trò chơi - lấy quyết định hành động duy lý ra sao, khi kết quả mà mỗi đấu thủ rút ra được từ trò chơi, bị chi phối bởi hành động của tất cả các đối thủ. Giải đáp cho bài toán này dĩ nhiên tùy thuộc vào luật chơi và bối cảnh của trò chơi. Rất nhiều tình huống trong đời sống kinh tế có thể được phân tích theo những khuôn mẫu do thuyết trò chơi hình dung ra. Ở nhiều mức độ, các tình huống đó mở ra những khả năng vừa hợp tác vừa đấu tranh.
«Lý thuyết trò chơi» được hai nhà toán học Pháp, Louis Bachelier và Émile Borel khai sáng vào đầu thế kỷ 20, tiếp nối công trình của Augustin Cournot vào đầu thế kỷ 19. Sau được John Von Neuman, một nhà toán học hàng đầu của thế kỷ 20, người Mỹ gốc Hung, hoàn tất căn bản ý niệm cùng hình thức (1928) và áp dụng rất phong phú vào lãnh vực kinh tế qua tác phẩm được viết cùng Oscar Morgenstern, Theory of Games and Economic Behavior, 1944 (Lý thuyết trò chơi và hành vi kinh tế). Sang hậu bán thế kỷ 20, John Nash (Nobel Kinh Tế 1994) lại đóng góp thêm một số công trình thần kỳ, đặc biệt cho bài toán mặc cả trong «trò chơi» cạnh tranh. «Lý thuyết trò chơi» còn có rất nhiều ứng dụng phong phú khác, đặc biệt trong địa hạt chiến lược và địa chánh trị.

[11] - Xem chẳng hạn : Ira Magaziner, Mark Patinkin, The silent war : Inside the business battles shaping America’s future (Cuộc chiến thầm lặng : trong lòng những doanh chiến nhào nặn tương lai Hoa Kỳ,) Vintage Books, New York, 1990.

[12] - Xem chẳng hạn : Paul Krugman, Pop Internationalism (Chủ nghĩa quốc tế bình dân,) MIT Press, 1996.

[13] - Thật ra, tất cả các nhà kinh tế từ Jean Bodin ở thế kỷ 16, đến Adam Smith, John Stuart Mill, Friedrich List, Karl Marx đều ghi nhận tầm quan trọng trong hệ thống kinh tế của kỹ xảo của con người, sau này được gọi là tiến bộ kỹ thuật trong các mô hình phân tích kinh tế hiện đại.

[14] – Dưới góc độ lý thuyết kinh tế, tri thức hay tiến bộ kỹ thuật được xử lý như là một lực lượng sản xuất nội sinh (endogenous) trong nền kinh tế mới, bên cạnh hai lực lượng lao động và vốn. Trong nền kinh tế truyền thống nó được xử lý như một yếu tố ngoại sinh (exogenous.)

[15] – Trong ngôn ngữ kinh tế, một ý niệm hay một tri thức là một «hàng hoá công ích không kình địch (public goods not rival - bien public non rival).» Một hàng hoá công ích là một hàng hoá có thể được sử dụng hay tiêu dùng cùng lúc bởi nhiều người. Chẳng hạn đường hầm Thủ Thiêm là một hàng hoá công ích vì chỉ cần được xây dựng một lần là tất cả những ai muốn vượt qua sông Sàigòn đều có thể cùng sử dụng nó, trái với một bao gạo chỉ có thể được tiêu dùng bởi người đã chiếm hữu nó. Nhưng đường hầm Thủ Thiêm lúc 8 giờ sáng hay 6 giờ chiều thì lại bị ứ ngẹn vì quá đông người qua sông. Cho nên đường hầm Thủ Thiêm là một «hàng hoá công ích kình địch» vì bị giới hạn bởi hiện tượng ứ ngẹn. Trái lại hệ điều hành máy điện toán Windows của Microsoft, hay Truyện Kiều của Nguyễn Du, hoặc một chương trình truyền thanh hay truyền hình chẳng hạn, là những «hàng hoá công ích không kình địch» vì có thể được sử dụng cùng lúc bởi hàng tỉ người mà không bị ứ nghẹn, không bị hao mòn, với một chi phí sản xuất cận biên không đáng kể. Hơn thế nữa, càng được nhiều người sử dụng, «hàng hoá công ích không kình địch» lại càng được hoàn thiện và thăng tiến qua hiệu ứng mạng tạo ra bởi đóng góp kinh nghiệm thực hành của người cung ứng và người tiêu dùng. Do đó, một thị trường khai thác tri thức càng to lớn chừng nào thì lợi nhuận của những phát minh tri thức càng to lớn chừng ấy, vì một ý niệm chỉ cần được phát minh một lần là có thể đem ra bán cho vô số khách hàng với một chi phí sản xuất cận biên gần số không. Và đây là một trong những động lực đột phá thúc đẩy toàn cầu hoá kinh tế. Xem : Dominique Rallec, Pierre Ralle, Les nouvelles théories de la croissance, La découverte, Paris 1995 – Kenneth Arrow, Economic welfare and the allocation of ressources for invention in Nelson (ed) ; Princeton University Press 1962.

[16] - Về tiềm năng của nền kinh tế mới và một vài kịch bản vận dụng công nghệ thông tin và các nguồn năng lượng mới để làm chuyển hoá tận gốc rể và ở qui mô toàn cầu, phương thức sáng chế, phương cách sản xuất, hệ thống phân phối hàng hóa cùng dịch vụ, xem chẳng hạn:
. Jeremy Rifkin, The third industrial revolution (Cuộc cách mạng công nghệ thứ 3,) New York, Palgrave MacMillan, 2011.
. Michèle Debonneuil, L’espoir économique : vers la révolution du quaternaire (Hy vọng kinh tế: tiến tới cuộc cách mạng khu vực thứ tư,) Paris, François Bourin 2007.

[17] – Vào năm 1995, khi bong bóng công nghệ bắt đầu được hình thành trên các thị trường chứng khoán, một nửa sinh viên đạt bằng tiến sĩ toán học và khoa học máy tính ở Hoa Kỳ là sinh viên ngoại quốc. Một nửa tiến sĩ tốt nghiệp, gốc Tàu và Ấn, quyết định xin ở lại Mỹ. Một phần ba lực lượng lao động của thung lũng điện tử Silicon Valley ở Hoa Kỳ, là di dân trong đó 2/3 là gốc Á châu. Trong quãng thời gian 1995 – 1998, các kỹ sư gốc Tàu và Ấn Độ đã thành lập khoảng 29% xí nghiệp công nghệ của vùng Silicon Valley. Một phần tư nhân viên của Microsoft được sinh ra ở nước ngoài. Nguồn :A New Economy ? The Changing Role of Innovation and Information Technology in Growth (một nền kinh tế mới ? vai trò chuyển đổi của hoạt động sáng chế và công nghệ thông tin trong quá trình tăng trưởng), OECD 2000.

[18] - Ngay từ 1980, khu vực kinh tế «thông tin» ở Hoa Kỳ (giáo dục, nghiên cứu, truyền thông, báo chí, tin học) đã chiếm trên 1/3 tổng sản lượng trong nước, với mức nhân dụng tăng nhanh hơn đối với các khu vực khác. Năm 1997, 35% tổng giá trị gia tăng của các doanh nghiệp là do các khu vực dựa trên tri thức tạo ra (tin học, không gian, viễn thông.) Mặt khác, từ 1990, tỷ lệ đầu tư phi vật chất đã vượt lên trên 50% tổng đầu tư trong đó hơn nữa là đầu tư về tri thức. 25% tổng đầu tư của các doanh nghiệp được dành cho hoạt động sản xuất tri thức hay cho việc đạt sở hữu tri thức. Nguồn : Les enjeux présents et futurs de la répartition mondiale des ressources cognitives (Được thua hiện tại và tương lai trong cuộc phân bổ toàn cầu của nguồn lực tri thức), Danièle Blondel, Université de tous les savoirs, Juillet 2003.

[19] – Ta hãy lấy trường hợp của Hoa Kỳ, trung tâm và đầu tàu của cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba. Từ 1970 đến 1990, mức lương trung vị (chia tập hợp số lương ra hai phần bằng nhau) tụt xuống 5%, trong khi khoảng cách giữa 10% giàu nhứt và 10% nghèo nhứt tăng lên 40%. Mức lương của các Tổng giám đốc vọt lên từ 30 đến 150 lần mức lương của các công nhân chuyên nghiệp. Vào cuối thập niên 80, súc mua của đồng lương của công nhân Hoa Kỳ tụt xuống mức của nó vào đầu thập niên 60. Trong vòng non 10 năm từ 1979 đến 1987, nhân công có mức học vấn giới hạn ở trung học, bị mất tái 20% sức mua. Xem Daniel Cohen, Richesse du monde, pauvreté des nations, Paris, Flammarion, 1998 – L. Thurow, the future of capitalism, New York, W. Morrow, 1996.

[20] - Chẳng hạn trường hợp của hai kỹ sư sáng chế ra ứng dụng nhắn tin WhatsApp năm 2009. 5 năm sau, vào tháng 2, 2014, công ty được bán lại với giá 19 tỉ USD cho công ty Facebook, tính ra là 350 triệu USD trên mỗi nhân viên.

[21] - Xem chẳng hạn : Robert Reich, The work of nations (công việc của các quốc gia,) New York, Vintage Books, 1991.
Daniel Cohen, Richesse du monde, pauvretés des nations (Giàu có của thế giới, nghèo nàn của các quốc gia) Paris, Flammarion 1997.

[22] – Ba Tây và Ấn Độ đặt điều kiện để mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp, là chúng phải được sản xuất tại chổ với một công thức chuyển giao công nghệ. Dưới một hình thức khác, trong lãnh vực sản xuất xe hơi của Trung quốc, công ty SCAI của Tàu liên kết dưới dạng liên doanh, cùng lúc với hai đối thủ đối đầu với nhau, General Motors và Volkswagen. Mặt khác công ty Dong Feng của Tàu là cô đông của công ty Peugeot ngang hàng với Nhà Nước Pháp với 14% cổ phiếu. Peujeot là công ty số 1 ở Pháp về đăng ký bằng sáng chế công nghệ.

[23] - Tất cả đều rạp theo một khuôn mẫu được Plato, triết gia của nước Hy Lập cổ đại, hình dung ra và hình thức hoá trong đại tác phẩm Republic, sau được Thomas More biến cách trong Utopia vào thế kỷ 16, Tomasso Campanella trong La cité du soleil ở thế kỷ 17, Charles Fourier trong Le Phalanstère vào thế kỷ 19, và sau cùng được các phong trào cộng sản ứng dụng vào thế kỷ 20. Tất cả các khuôn mặt lịch sử của trường phái hoang tưởng này đều thiết kế tỉ mỉ một cấu trúc xã hội toàn chế với một sự đồng hoá toàn diện (cùng một khuôn mẫu cho y phục, gia cư, thành phố), một guồng máy công an khủng bố tuyệt đối, một ý hệ độc tôn, một nền văn hoá áp đặt, một hệ thống trại cưởng bách lao động và lưu đày để xử lý thành phần phản kháng.

[24] – Xem Igor Chafarévitch, Le phénomène socialiste, Paris, Le Seuil, 1977.

[25] – Nhà báo Huy Đức có xuất bản vào tháng 12, 2012, một tác phẩm mang tên Bên Thắng Cuộc thuật lại cuộc thôn tính miền Nam bởi cộng sản Bắc Việt sau ngày 30 tháng 4, 1975, dưới góc độ của một chứng nhân và một nhà báo thuộc «bên thắng cuộc.» Tựa của quyển sách đã gây ra không ít tranh cải và phản ứng đầy cảm tính đặc biệt trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Thật ra, ngoài những nhận định và phán xét chủ quan rất bình thường và tự nhiên của tác giả, những quan điểm mà độc giả có thể đồng ý hay không đồng ý, tác phẩm còn mang một hàm lượng thông tin, dữ liệu và sử liệu đáng và cần được tham khảo, phân tích và thẩm định. Tuy nhiên nó không phải là một loại «Quỳ hoa bảo điển» hay «Cửu âm chân kinh» gì đến nỗi một vài tiến sĩ Việt Nam tuyên bố phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới lãnh hội hết cái tinh tuý của nó. Cùng một đề tài, nhà văn, nhà báo Olivier Todd cũng đã xuất bản tác phẩm Cruel Avril (Robert Lafont, Paris, 1987) nói về sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa, với một công phu phân tích nguồn liệu, một khả năng bóc trần ý nghĩa chánh trị và lịch sử của các biến cố, một biệt tài phục hồi sắc thái của quá khứ, ở một trình độ khác.

[26] - ODA (Official development assitance) là một nguồn tài trợ đặc biệt cho phát triển dưới dạng những khoản cho vay dài 30-40 năm, lãi xuất thấp, 0,75%-2%.