LẼ SỐNG CÒN

Phần 2




«Trò chơi», hiện nay ở Biển Đông (theo cái nghĩa của lý thuyết trò chơi được tóm lược ở trên [10]) hiển nhiên là một thế cờ đối ngẫu : mọi động tác của Việt Nam nhằm xích lại gần hơn với các cường quốc trong cuộc, đặc biệt với Hoa Kỳ, tất yếu tạo ra một chuỗi phản ứng đối chiếu từ phía Trung Quốc và ngược lại. Phản ứng trên mặt biển (áp đặt giàn khoan, thao diễn quân sự, kiểm soát giao thông, xây dựng căn cứ quân sự, khai triển hoạt động dân sự, v.v.;) trên các diễn đàn quốc tế; trong Việt Nam (áp lực trên kinh tế, trên guồng máy chánh trị, đặc biệt trong nội bộ của đảng cộng sản Việt Nam;) và nổi bật hơn cả là xuyên qua những đòi hỏi đồng bộ về biên giới Miên Việt và những phong trào bài xích Việt Nam ở Campuchia [27].

Trên mặt trận đối ngoại, Việt Nam hiện đã lâm vào một tình thế nguy kịch và bi thảm, không vì sức ép của thế địa lý hay vì nguy cơ Trung Quốc [28], mà vì Việt Nam thiếu vắng một chánh sách đối ngoại nhứt quán nhằm bảo vệ quyền lợi quốc gia.

Vì sao lại không có một chánh sách đối ngoại nhứt quán ? Ấy là vì những kẽ nắm vận mệnh quốc gia không thể đề ra một chánh sách đối ngoại, lại cũng chẳng hề quan tâm đến quyền lợi quốc gia, bởi lẽ mục tiêu ưu tiên của họ là bảo vệ địa vị và quyền bính cho phe nhóm của mình.

Sự kiện này là một trong những hệ quả của cuộc khủng hoảng toàn diện đang hoành hành trong nước, đe dọa chủ quyền quốc gia trong các lãnh vực then chốt khác một cách muôn vàn nguy kịch hơn cuộc tranh chấp hiện nay trên Biển Đông. Vì nó đưa đến sự phân hủy của nền tảng xã hội, sự tha hoá của cấp lãnh đạo và thành phần ưu tú của chế độ, và sự mục rữa của các cột trụ chống giữ đất nước.

SỰ PHÂN HỦY CỦA NỀN TẢNG XÃ HỘI

Khi đối chiếu mục tiêu đặt ra, phương tiện vận dụng và cơ hội hiện hữu, không còn mấy ai phủ nhận sự thất bại toàn diện của các chánh sách phát triển đất nước trong 40 năm qua, từ các đảng viên kỳ cựu đến các cơ quan nghiên cứu quốc tế uy tín nhứt [29].

Căn nguyên của nó nằm trong sự tác hợp giữa bản chất của chế độ, với chứng tự kỷ, tính chủ quan, óc giáo điều, thói trí trá của cấp lãnh đạo, được đem áp dụng vào công trình quản lý kinh tế và phát triển quốc gia.

Khi kinh tế bị khánh kiệt vào giữa thập niên 80, rồi đến khối Xô Viết sụp đổ ở Âu châu vào đầu thập niên 90, tập đoàn cộng sản Hà Nội đã phải vội vã tung ra tuyệt kỹ trấn môn «nhất cụ, rốn bà» để tự vệ : « Liên Xô đổi mới được, Trung Quốc biết triển khai kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì chúng tớ cũng nhất trí đổi mới và thi triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng chúng tớ có cách chơi của chúng tớ. Hoành tráng hơn.»

Thế là các đại gia nắm độc quyền làm đầy tớ cho nhân dân, liền áp dụng cách chơi kinh tế thị trường cho chính mình, và xã hội chủ nghĩa cho nhân dân, tức cái gì của mình là của mình, cái gì của nhân dân là của chung phải do đảng quản lý.

Thị trường cho mình tức mình tự do kinh doanh, tức tự do mua bán. Do đó, trong suốt 40 năm phát triển, tất cả những gì có thể bán được đã bán cả rồi. Bán thật hoành tráng. Từ tài nguyên, đến đất đai, lao công, phụ nữ, chất xám, và luôn cả các thế hệ tương lai, qua nợ công và nợ xấu.
Phần mua cũng chẳng kém hoành tráng, nhứt là tài sản ở ngoại quốc.

Các thành tích nầy dĩ nhiên được thục hiện dưới sự chỉ đạo của tư tưởng Hồ Chí Minh, trong tinh thần theo đuổi và hoàn thành mục tiêu tối hậu : Độc Lập và Tự Do.

Độc lập tức trước hết là quyền thực thi luật lệ và chánh sách quốc gia trong các lãnh vực quyết định sự an nguy của dân tộc đặc biệt trong hệ thống kinh tế.

Ấy thế mà hiện nay một khu vực trọng yếu của nền kinh tế Việt Nam, hiện chiếm hơn 65% tổng giá trị xuất khẩu của nước và cung cấp một phần quan trọng cho tăng trưởng của Việt Nam, lại hoạt động một cách hầu như tự trị, ngoài vòng tác động của các chánh sách điều tiết kinh tế quốc gia. Đó là khu vực FDI (đầu tư ngoại quốc.)

Các doanh nghiệp FDI về mặt tài trợ và nghiên cứu-phát triển, chỉ tuỳ thuộc vào công ty mẹ ở nước ngoài, tất nhiên nằm ngoài vòng tác động của các chánh sách tiền tệ và ngân sách quốc gia, tức ngoài vòng áp lực của lạm phát, lãi xuất, tín dụng trong nước. Vài tập đoàn lớn như Intel và Siemens lại mở ra trung tâm đào tạo nhân viên để đáp ứng nhu cầu điều hành và phát triển của mình. Riêng tập đoàn Samsung (Nam Hàn) đã nâng vốn đầu tư lên đến 11 tỷ USD vào cuối năm 2014, tập trung các cơ xưởng ở Bắc Ninh, Thái Nguyên và Sàigòn. Hiện Samsung là động cơ xuất siêu của Việt Nam qua mặt hàng điện thoại thông minh, nay là sản phẩm đứng đầu lãnh vực xuất khẩu của Việt Nam, hay đúng hơn xuất khẩu bởi Samsung cho Việt Nam, với một giá trị gia tăng thấp.

Các doanh nghiệp FDI trong thực tế, chi phối từng mảng nền kinh tế quốc gia, kiểm soát chặt chẽ sở hữu trí tuệ và bí quyết sản xuất, phân bổ tùy nghi những nghiệp vụ cho nhân công địa phương, trong những vùng biệt lập, có điều kiện làm việc và sinh sống theo tiêu chuẩn các nước phát triển, một loại « ngoại kiều cương thổ.» Thái Nguyên và Bắc Ninh hiện đang được biến thành châu Ô và châu Lý của Đại Hàn.

Trên bản đồ Việt Nam nếu ta chấm một vết mực đen trên mỗi «ngoại kiều cương thổ» FDI như thế, thì ta sẽ thấy hiện ra một nước Việt Nam với hình thù da beo. Những ai làu thuộc sử Việt, đặc biệt lịch sử chiến tranh Việt Nam, chắc không quên giai đoạn thương thuyết và ký kết Hiệp Định Paris 1973 với cái chiến dịch chiếm đất dựng cờ của cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, để đưa lên bàn đàm phán một bản đồ Miền Nam với hình thù da beo hầu cụ thể hoá sự chia cắt nó cho cái gọi là Chánh Phủ Lâm Thời Miền Nam.

Trớ trêu thay, ngày nay kinh tế của cả nước, tức nền tảng của xã hội Việt Nam, lại bị chia cắt theo hình thái da beo FDI. Hơn nữa, nó lại còn tùy thuộc vào 3 dòng tài chánh khác, cũng hoàn toàn xuất phát từ nước ngoài : ODA [26], kiều hối, và lượng du khách quốc tế. Chủ quyền quốc gia Việt Nam hiển nhiên đã bị xâm phạm và lũng đoạn ngay từ trong lòng nước. Độc lập của Việt Nam hôm nay là một nền « độc lập da beo,» dưới sự chỉ đạo của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đó là một cái láy mắt của lịch sử cần được ghi nhận và tiếp nhận như một lời nhắn nhủ là FDI không phải là một điều xấu, trái lại, nó có một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình cất cánh và phát triển của một quốc gia, nếu được tiếp thu và sử dụng thích đáng. Những gì ta mục kiến hiện nay ở Việt Nam là một loại quả báo, một bài học lịch sử đắc đỏ cho dân tộc Việt Nam về sự dối trá và độc hại của tập đoàn cộng sản Việt Nam.

Còn về Tự Do thì giá trị này đã được tái định hướng bởi «bản hiến pháp mới» 2013, trong đó độc quyền thống trị đất nước của đảng cộng sản đã được tái khẳng định. Mặt khác, khái niệm tự do vẫn được tiếp tục uốn nắn và dẫn dắt từ nhà trường. Việt Nam hiện là một trong những nước hiếm hoi còn lại, trong đó nền giáo dục phải chịu sự thống trị của quyền lực chánh trị; đảng, trong thực tế, giám thị tất cả các cơ sở giáo dục, từ tiểu học đến đại học [30]. Và đây là thảm hoạ lớn nhứt của nước ta.

Bởi vì, như nhiều cuộc điều tra quốc tế cho thấy, óc sáng tạo, phản ứng linh hoạt, tính năng động - những điều kiện cơ bản để hội nhập thành công vào thế giới hiện đại như đã được trình bày ở trên – đều được ấn định từ tuổi ấu thơ qua sự rèn đúc một số hành vi và sự truyền đạt một số hiểu biết cơ bản. Đem đảng vào nhà trường là đưa vào giáo dục, óc bè phái, lòng nghi kỵ, bẫy đặc quyền, văn hóa phục tùng.

Nhưng, cho dù hệ thống giáo dục cộng sản có biến con người thành một kẽ thụ động, nhẫn nhục, tùng phục đến đâu; cho dù chế độ có trấn áp hết sức thô bạo những thành phần nhứt trí thực hành quyền con người của mình, lịch sử đã cho thấy là có một giới hạn mà bạo lực, tội ác và sự lật lọng vẫn không thể vượt qua.

THA HÓA VÀ NGÓN ĐÒN CHÍ TỬ

Sự tha hóa đã đưa cấp lãnh đạo và thành phần ưu tú của chế độ đến giới hạn đó. Ở lằn ranh này, những biến động khôn lường có thể đột phát bất cứ lúc nào.

Từ tha hóa ở đây được dùng theo cái nghĩa mà chính Mác (Karl Marx) đã định ra trong các bài viết trong năm 1844 [31], tức là trở thành tù nhân của những sản phẩm do chính mình tạo ra. Cộng sản Việt Nam đã tạo ra vô số huyền thoại trong đó có huyền thoại đế quốc Mỹ đầy quyền lực, hiếu chiến, xâm lược, man rợ, bốc lột dân nghèo, v.v.. Ta hãy xem cấp lãnh đạo và thành phần ưu tú của cộng sản Việt Nam bị tha hoá đến mức độ nào trên huyền thoại này, với hai ví dụ dưới đây.

Thứ nhứt khi Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng chánh phủ, ký nghị định miễn phí cho sinh viên Việt Nam theo học chủ nghĩa Mác- Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh [32], tức thúc đẩy tuổi trẻ Việt Nam đi vào ngõ cụt. Ngõ cụt bởi vì chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố «…đến hết thế kỷ này không biết đã có Chủ Nghĩa Xã Hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa», và bởi vì chính Nguyễn Tấn Dũng cũng đã tránh nó cho con cái của mình bằng cách gởi chúng đi học ở Mỹ, ở Anh, ở Thụy Sĩ và hơn nữa lại kết sui gia với một cựu quan chức Việt Nam Cộng Hòa di tản ngày 30/04/1975 qua Mỹ. Trường hợp của Nguyễn Tấn Dũng minh họa một hiện tượng tâm thần khác mà nhà tâm thần học lớn Bruno Bettelheim đã mô tả và phân tích sâu sắc qua kinh nghiệm bản thân trong trại tập trung Đức quốc xã hồi đệ nhị thế chiến : trong các trại tù, tù nhân dần dà đi đến chổ đâm ra yêu thương các cai tù đã hành hạ mình và trong tiềm thức mong muốn được trở thành cai tù [33]. Hiễn nhiên Nguyễn Tấn Dũng mang tâm thần của kẽ vừa là tù nhân của huyền thoại đế quốc Mỹ vừa là người ước muốn thế chổ những kẽ mà mình đã đánh đuổi suốt tuổi thanh xuân.

Ví dụ thứ hai đưa ta lên tuyệt đỉnh của sự tha hoá và của hội chứng tù nhân Bettelheim. Lại cũng Nguyễn Tấn Dũng, ở cao điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chánh toàn cầu, đi viếng thăm chính thức Hoa Kỳ vào ngày 24 tháng 6, 2008. Bảo hoàng hơn vua, nhân vật mà Dũng xin gặp đầu tiên, không phải là Tổng Thống Bush, hay một lãnh tụ nghiệp đoàn nào, mà là Alan Greenspan, cựu chủ tịch Cục Dự Trữ Liên Bang (Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ,) người được xem là Hộ Pháp của chủ nghĩa tư bản tài chánh. Một Thủ tướng cộng sản đi vấn kế một đầu nảo của thế giới tài phiệt ! Không biết cho sự an nguy của Việt Nam hay cho sự an nguy của tài sản của phe nhóm mình? Lúc bấy giờ Greenspan đang bị công kích nặng nề và bị chất vấn về những sai lầm và trách nhiệm của mình trong cuộc đại khủng hoảng 2007. Trong hồi ký được phát hành trước đó, Greenspan đã tự đội lớp một Daladier của chánh sách tiền tệ, tức là một nhân vật được tôn vinh bởi những kẽ xuẩn động [34]. Hãy chờ xem nếu ra quyển hai của hồi ký, Greenspan có cho biết, khi được tiếp kiến, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng có ngỏ lời tôn vinh ông ta không ?

Hai ví dụ này được đưa ra không vì cá nhân Nguyễn Tấn Dũng mà để minh họa cái giới hạn không thể vượt qua của tập đoàn cộng sản Việt Nam. Hai cái đòn chí tử mà chế độ đã tự giáng xuống mình trong hai ví dụ trên, đã vẽ ra cái giới hạn đó. Tập đoàn cộng sản không thể tiếp tục đi xa hơn trong sự lật lọng và khinh miệt đối với nhân dân như thế. Khi người dân nhận ra được sự thật về cái gọi là đạo đức cách mạng và đỉnh cao trí tuệ của tập đoàn thống trị đất nước thì những biến động khôn lường sẽ bộc phát. Lịch sử đã cho thấy nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân quyết định khiến một tập đoàn hay một giai cấp thống trị bị loại trừ là vì quần chúng đã vỡ lẽ nó không còn xứng đáng để nắm quyền.

CÁC CỘT TRỤ CHỐNG GIỮ ĐẤT NƯỚC

Trong hiện tại, trước sự tha hóa và ung thối của các phe nhóm tranh giành quyền bính, nguy cơ đe dọa ác hại nhứt là các thành phần có trách nhiệm điều hành guồng máy Nhà Nước và làm vận chuyển xã hội, sẽ lần hồi ngã lòng thối chí, để mặc các cột trụ chống giữ đất nước lần lượt suy sụp. Mối liên hệ trọng yếu giữa tuổi trẻ và quân đội cũng như giữa tuổi trẻ và guồng máy Nhà Nước sẽ bị tắc nghẹn. Các phần tử tài ba và trong sạch sẽ lần lượt bỏ đi ngoại quốc lập thân. Tham nhũng ngày lại càng gia tăng và hoành hành.

Ngay từ bây giờ, Việt Nam không còn có một Nhà Nước đúng nghĩa của nó, tức là một cấu trúc trí tuệ và tinh thần thể hiện quyền lợi chung của dân tộc, khiến cho người dân cảm thấy phấn khởi và hãnh diện khi tùng phục và phụng sự chánh quyền.

Chỉ còn thỉnh thoảng một vài nhà khoa bảng thành danh, hay thành đạt trong chuyên ngành của mình ở nước ngoài trở về thuyết trình hay phó hội để nhận lãnh tước vị ... sứ giả Lạc Việt.

Trong tình thế đó, câu hỏi mà mọi người Việt đều đặt ra là :

Phải làm gì và làm thế nào ?


Còn tiếp...


7 tháng 12 năm 2014

Trần Văn Tòng


[27] – Lãnh tụ đối lập với chánh phủ của Hun Sen, Sam Rainsy vẫn thường lên tiếng tố cáo Việt Nam xâm phạm chủ quyền của Campuchia, tuyên bố ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền ở Biển Đông (Siem Reap cuối 2013), gọi Trung Quốc là tương lai của Campuchia (Phnom Penh tháng giêng 2014), kêu gọi Liên Hiệp Quốc can thiệp giải quyết vấn đề biên giới Việt-Miên (13/08/2013, Paris).
Về phía chánh phủ thì bà Bun Rany, phu nhân của thủ tướng Hun Sen, và là chủ tịch của Hồng Thập Tự Campuchia, tuyên bố : “ Campuchia coi Trung Quốc như anh và Campuchia là em” và quả quyết nước bà sẽ tiếp tục ủng hộ chánh sách của Trung Quốc ( Phnom Penh 04/09/2013).
Ngoài ra, không năm nào lại không có biểu tình chống Việt Nam ở Campuchia, với những màn đốt cờ và nón lá Việt Nam, và đòi hỏi phục hồi đất đai cho người Miên.

[28] - Đông với tác động của cuộc tranh chấp trên biển; Bắc với lực đè của Trung Quốc; Tây với đòi hỏi của Lào về thượng nguồn sông Cửu Long, và của Campuchia về di sản lịch sử. Những vấn nạn này đã hiện hữu từ lâu trong bối cảnh quốc tế của nước ta. Vã lại, với những tiến bộ kỹ thuật đột phá về giao thông, vận tải, viễn thông và công nghệ thông tin, vị trí địa lý không còn là một nhân tố chiến lược trong bang giao quốc tế. Vào thời hiện đại, với cuộc cách mạng công nghệ thứ ba, cấu trúc địa lý và di sản lịch sử không còn là yếu tố quyết định tất nhiên của sự an nguy của một quốc gia. Ngay từ thế kỷ 19, một cường quốc từ bên kia đầu địa cầu, với một văn hóa hoàn toàn xa lạ - nước Đại Pháp - đã qua đô hộ nước ta cả trăm năm, cũng như đã cùng với một số cường quốc chiếm đống Trung Quốc.

[29] – Có lẽ một trong những phán xét đanh thép và nghiêm chỉnh nhứt về sự bất cập và thất bại của chánh sách phát triển của chánh quyền cộng sản Việt Nam là nhận định của nhóm chuyên gia thuộc chương trình Việt Nam của đại học Harvard (Hoa Kỳ) về sự mù lòa của Ngân Hàng Thế Giới và của một số nhà tài trợ. Nhận định này được ghi ở chú thích 4 của bản phúc trình có tên là Lựa chọn thành công, được trao tận tay Nguyễn Tấn Dũng ngày 15/01/2008:
«Trong một vài năm trở lại đây, Việt Nam đã trở thành cái gọi là triệu chứng “cục cưng”. Ngân hàng Thế giới và nhóm các nhà tài trợ đồng minh của họ làm ngơ trước mọi diễn biến tiêu cực ở Việt Nam chỉ vì họ cần ít nhất một ví dụ thành công để chứng minh rằng viện trợ phát triển chính thức (ODA) có tác dụng. In-đô-nê-xia đã từng là “cục cưng” của Ngân hàng Thế giới cho đến đêm trước khủng hoảng 1997, và sự rối loạn về chính trị sau đó đã tiêu hủy triển vọng tăng trưởng của quốc gia này trong suốt một thập kỷ. Việt Nam hiện nay đang được chọn để diễn vai trò của In-đô-nê-xia trước đây. Kinh nghiệm của In-đô-nê-xia cho thấy, làm “cục cưng” có cái khoái nhất thời nhưng cái nguy dài hạn.»

[30] - Luật Giáo dục 2005, điều 3 : « Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng.» Các dự thảo Luật giáo dục đại học đều có điều lệ áp đặt sự có mặt của tổ chức đảng trong các cơ sở giáo dục.

[31] - Từ tha hoá tương ứng với từ aliénation được Mác dùng trong loạt bài được phổ biến năm 1844. Xem Karl Marx, Les écrits économico-philosophiques de 1844, Paris, Vrin éditeur.

[32] - Nghị định 74 được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 15/7/2013.

[33] – Xem Bruno Bettelheim, Survivre và Le coeur conscient, Paris, Pluriel.

[34] - Daladier là một thủ tướng Pháp, người đã cùng ký hiệp định Munich năm 1938 với nhiều nhượng bộ tai hại cho Hitler, dẫn đến đệ nhị thế chiến. Khi đáp xuống phi trường Le Bourget sau khi ký kết hiệp định, Daladier tin chắc là sẽ bị đã đảo, nhưng sửng sốt khi thấy cả trăm ngàn người ra tiếp đón tung hô, nên phải bật tiếng kêu lên : « Ôi một bọn xuẩn động !» Vì thế khi ta gọi ai là một Daladier là ám chỉ đó là loại người làm sai nhưng được tôn vinh bởi bọn xuẩn động. Greenspan thuật lại trong hồi ký của mình, the age of turbulence, Penguin press 2007, là trong một cuộc gặp gỡ với Jean-Claude Trichet, chủ tịch Ngân hàng Trung ương Âu châu, ông nói với Trichet : cái khía cạnh thảm thiết của câu chuyện của chúng ta là hai điều, thứ nhứt ông là người có lý và làm đúng nhưng tôi lại là người được tôn vinh, thứ hai bọn chúng đều là một bọn xuẩn động. Nói một cách khác, Greenspan tự nhận mình là một Daladier của chánh sách tiền tệ.