LẼ SỐNG CÒN

Phần 3


TỔ CHỨC, LÃNH ĐẠO, TINH THẦN

Nếu câu hỏi - phải làm gì và làm thế nào - mọi người, ít nhiều, đều đặt ra, trong tiềm thức hay trong ý thức, thì một giải đáp thiết thực, khả thi và hiệu quả cho nó, trái lại không thể đến được từ mọi người, từ một tập hợp hỗn tạp.

Một giải đáp như thế, do kiến trúc, chỉ có thể xuất phát từ thành phần năng động hay thành phần ưu tú của xã hội - ưu tú theo cái nghĩa đã được xác định ở trên [6] và sẽ được sử dụng từ đây – khi nó hội đủ 3 điều kiện căn bản : tổ chức, lãnh đạo, và tinh thần; hay nói cách khác, khi nó tự chuyển hoá thành một thực thể chánh trị. Và đây là điểm mấu chốt quyết định vận mệnh đất nước hôm nay.

Thật vậy, cái vấn nạn có khả năng làm biến chuyển cục diện của Việt Nam hiện nay, không phải là «đổi mới toàn diện,» hay «cải cách thể chế,» hay «hiểm họa Bắc thuộc,» hay «liên minh chiến lược với Mỹ,» hoặc «hòa giải dân tộc,» v.v., tất cả các vấn đề này, thường được đem ra tranh luận, đều thuộc về phạm trù phương tiện [35]. Vấn nạn hàng đầu của Việt Nam hiện nay là sự chuyển hóa của thành phần ưu tú khiến nó nhứt trí bước vào chánh trị. Sự chuyển hóa này là xung lực định đoạt sự hình thành của một thực thể chánh trị dân tộc có khả năng xóa bỏ chế độ cộng sản hầu hóa giải cái tai họa nô dịch kép của nước ta hiện nay : xã hội nô dịch bởi chế độ cộng sản; quốc gia nô dịch bởi sự tác hợp giữa cơ chế đào thải của thời đại - đặc biệt cuộc phân công lao động quốc tế - và chứng tật của cộng sản Việt Nam.

Thật ra, vấn nạn chuyển hóa chánh trị của thành phần ưu tú đã được đặt ra từ cuối thế kỷ 19, khi nước ta bị mất chủ quyền với Hòa ước Patenôtre được ký kết vào năm 1884. Từ đó đến nay, trong suốt hơn một thế kỷ, sự hình thành và luân chuyển của các thành phần ưu tú của Việt Nam, đặc biệt của giai cấp lãnh đạo chánh trị, cho dù ở bất cứ phía nào – thân Pháp hay chống Pháp, quốc gia hay cộng sản, thân Mỹ hay chống Mỹ, thân Nga hay chống Nga, thân Tàu hay chống Tàu – đều bị chi phối bởi những yếu tố ngoại lai, trên bình diện tư tưởng, ý hệ, văn hóa, chánh trị.
Tất cả các mưu toan nhằm xây dựng một thực thể chánh trị dân tộc, đều đi vào ngõ cụt vì không giải được cái phương trình cơ bản : tổ chức, lãnh đạo, tinh thần.

Vì sao lại không giải được cái phương trình cơ bản ấy ? Có phải vì dân ta ươn hèn, thiếu người tài trí, thiếu người tận tụy với vận mệnh quốc gia, thiếu người chí thành với tổ quốc ? Dựa trên bất cứ tiêu chuẩn nào, câu trả lời hiển nhiên là không.

VĂN HÓA CHÁNH TRỊ

Lý do chủ yếu của sự thất bại nêu trên chính là vì dân ta thiếu hụt một văn hóa chánh trị dân tộc hiện đại sinh động, đủ mạnh để đối phó lại với sức hút ly tâm của các thế lực ngoại lai, đặc biệt của phong trào cộng sản quốc tế. Nói như thế dĩ nhiên không có nghĩa là một văn hóa chánh trị dân tộc đặc thù tất yếu phải bài xích ngoại quốc, bác bỏ các thành tựu chánh trị, xã hội, văn hóa, khoa học của các dân tộc khác; ngược lại. Trường hợp của cộng đồng người Việt hải ngoại ngày càng lớn mạnh, sinh hoạt trong một bối cảnh chánh trị hết sức thuận lợi, là cái dịp rất tốt để ta quan sát và phân tích cặn kẽ các nan đề và các cơ chế của công cuộc hiện đại hóa chánh trị cần thiết của dân ta, cũng như những lợi ích mà ta có thể rút được từ sự tiếp cận với các xã hội khác. Vấn nạn này đã được phân tích trong bài viết kèm theo đây về quá trình trưởng thành chánh trị day dứt của các cộng đồng Việt Nam [36].

Sự thiếu vắng của một văn hóa chánh trị dân tộc sinh động đã làm nảy sinh ra một loại văn hóa chánh trị thụ động, xu thời, vận hành theo khẩu hiệu, chiêu bài, cảm tính, và định kiến. Qua đó một miếng đất dụng võ được tạo ra cho các đoàn lũ giáo điều, giả nhân giả nghĩa, yêu nước độc quyền và chuyên nghiệp, luôn luôn kêu gọi hy sinh, nhưng là sự hy sinh của người khác. Trong suốt 4 thập niên 1945-1985, chúng đã đem thiêu cúng cho «một con người mới» trừu tượng không biết bao nhiêu con người bằng xác thịt, và dâng hiến cho nhân dân tập thể hằng hà sa số con dân đơn lẻ.

Dĩ nhiên với công nghệ thông tin hiện nay, các sự kiện lịch sử lâu nay được bưng bít, ngày càng được phổ biến sâu rộng trong quần chúng.

Lớp người đã cống hiến cả cuộc đời cho nền tự chủ nước nhà, lớn lên theo Đảng, nay nhận chân ra sự thật lịch sử, trong cảnh kê vàng tỉnh mộng, tóc bạc thương thân, bật tiếng kêu lên : «tất cả bao nhiêu xương máu, bao nhieu hy sinh để được như thế này ư? Xã hội nô dịch bởi đảng, quốc gia nô dịch bởi cuộc phân công lao động quốc tế hiện hành. Phải làm gì và làm thế nào để thoát khỏi cái nó giam hảm nước ta trong lạc hậu và tụt hậu như thế này?»

Cuộc khủng hoảng hiện nay của Việt Nam không những hoành hành trong tất cả mọi lãnh vực kinh tế, xã hội, chánh trị mà luôn cả trong hàng ngũ lãnh đạo và làm rung chuyển lòng người.

Giai cấp thống trị, ý thức được nguy cơ, nên đã triển khai một sách lược nhằm bảo vệ chiếc ngai quyền bính với 3 phòng tuyến : trước nhứt hy sinh một số lãnh đạo để bảo vệ Đảng. Tuyến thứ hai là chỉ trích và phê phán nghiêm khắc Đảng và chủ nghĩa cộng sản để bảo vệ huyền thoại Hồ Chí Minh. Tuyến sau cùng là khai thác huyền thoại Hồ Chí Minh qua một thủ thuật biện chứng sơ đẳng để phục hồi chính danh cho giai cấp thống trị : Bác Hồ là một bậc vĩ nhân, một người trong bản chất theo chủ nghĩa dân tộc-dân chủ nhưng khoác áo cộng sản, nên đã vừa là lãnh tụ vừa là nạn nhân của Đảng Cộng sản. Do đó, giải pháp tự nhiên cho cuộc khủng hoảng hiện nay là quay trở về với Hồ Chí Minh, nhà dân tộc-dân chủ của năm 1945 và cái «Hiến Pháp dân chủ» 1946 [37].

SỰ CHUYỂN HÓA CỦA THÀNH PHẦN ƯU TÚ

Đây chỉ là cuộc chiến cản hậu vô vọng mà thôi. Trong tình thế bế tắc toàn diện hiện nay, tất cả những hành động, ký kết về mặt đối nội cũng như về mặt đối ngoại của chánh quyền không thể có hiệu nghiệm và hiệu lực lâu dài. Đó chỉ là những thủ thuật đoản kỳ để sinh tồn. Chìa khóa của vấn đề Việt Nam nằm trong sự chuyển mình và chuyển hóa của thành phần ưu tú của nó.

Khi các thành phần này, trước tai ương mà dân ta đã đới chịu, trước nguy cơ và thảm họa đe dọa vận mệnh nước ta hiện nay, chấp nhận cùng đứng ra đảm đương chức năng của mình, cùng nhau thỏa thuận trên một hệ giá trị tự do dân chủ, cùng nhau giải quyết cái tiền đề tổ chức-lãnh đạo-tinh thần, để hình thành một thực thể chánh trị dân tộc, thì lúc đó, một tình thế mới sẽ được mở ra với nhiều khả năng biến chuyển tích cực trọng đại. Các vấn đề «nguy cơ Trung Quốc», chủ quyền ở Biển Đông, đối tác chiến lược với Hoa Kỳ, cải cách thể chế, đều có thể được giải đáp thích đáng trong khung cảnh mới này. Vã lại, trong khung cảnh đó, khi ta duyệt xét toàn bộ vấn đề Biển Đông chứ không chỉ một phần của nó như nhiều người thường làm hiện nay, dưới áp lực của các chiến dịch tuyên truyền từ mọi phía; và mặt khác phân tích cẩn thận và nghiêm túc tương quan quyền lực giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc; ta sẽ đi đến kết luận về bức thang nguy cơ và thách thức của nước ta khác hẳn với những gì được lưu hành hiện nay. Và ta lại thấy ra là vấn đề Biển Đông có một «giải pháp» gần như hiển nhiên, hiển nhiên như quả trứng của Colombus [38].


Còn tiếp...


7 tháng 12 năm 2014

Trần Văn Tòng


[35] – Như Douglass North đã nhắc lại, thể chế chỉ là những ràng buộc tạo ra bởi con người ... Đó chỉ là một công cụ. Vã lại như Condorcet, nhà chánh trị và nhà toán học Pháp, đã nhận xét: «dưới một Hiến Pháp tự do nhứt, hoàn hảo nhứt, một dân tộc dốt nát vẫn là một dân tộc nô lệ.»

[36] – Bài này được viết bằng tiếng Pháp để giúp thế hệ thứ 2 tiếp cận dễ dàng hơn với các vấn đề được phân tích. Bài rất dài vì muốn xử lý cặn kẻ một vài trường hợp và một vài vấn đề đặc thù. Tuy nhiên phần lớn các vấn đề được mổ xẻ và phân tích cũng như các đề nghị đều có thể được áp dụng cho các cộng đồng Việt Nam khác. xem maturation politique des communautés vietnamiennes

[37] – Cho dù với bất cứ phương pháp nào, sơ đẳng nhứt (đối chiếu với một chuỗi sự kiện lịch sử trái ngược) hay cao cấp nhứt (chẳn hạn phương pháp phản bác của Karl Popper được ứng dụng trong khoa học nhân văn và khoa học chính xác, đặc biệt trong thống kê toán) Hồ Chí Minh không thể được chứng minh là một nạn nhân của đảng cộng sản, là một nhà dân chủ trong bản chất (chiến dịch ám sát các nhân vật đối lập chánh trị, nhân văn giai phẩm, cải cách ruộng đất, chỉnh huấn, v,v, đều xảy ra khi Hồ Chí Minh là Chủ tịch tại quyền.)

[38] – Cụm từ quả trứng của Colombus được dùng để chỉ định một ý kiến rất đơn giản nhưng tài tình mà gần như không ai nghĩ ra. Nó bắt nguồn từ giai thoại sau đây : trong một buổi tiệc, Colombus phản kích lại một người khách chê bai ông không có tài cán gì, bằng cách thách đố mọi người dựng đứng một quả trứng luộc trên bàn. Dĩ nhiên không ai nghĩ ra được giải pháp cho thách đố này. Colombus bèn đập quả trứng rồi dựng nó trên bàn.