MÁU CÂM NÍN VÀ MÁU KÊU THƯƠNG

40 năm !
Đó là thời gian đã trôi qua từ ngày Hiệp Định Paris 1973 được ký kết, dọn đường cho cộng sản Hà Nội áp đặt nền độc tài chuyên chế lên toàn cõi Việt Nam.

40 năm !
Tức gần hai thế hệ đã đi qua từ khi Trần Văn Bá lấy quyết định xả thân tranh đấu cho nền tự do và tự chủ nước nhà, chống lại làn sóng xâm lăng của cộng sản quốc tế và chế độ áp bức của cộng sản Hà Nội.

40 năm là thời gian đủ dài để ta có khoảng cách thẩm định đúng đắn người và việc.

Con người Trần Văn Bá hoàn toàn xa lạ với sự tôn sùng cá nhân, và tính tự cao, tự mãn.

Vì thế, ở đây sẽ không có dài dòng tán tụng con người riêng tư Trần Văn Bá, cho dù hôm nay là ngày tưởng niệm sự hy sinh của anh.

Bẩm chất giản dị và tính khiêm nhường khiến anh luôn tránh né ống kính của các nhà nhiếp ảnh, và khước từ những câu hỏi tò mò của các nhà phỏng vấn. Cá nhân anh cực kỳ chán ghét những gì có tính phô diễn ồn ào.

Anh cũng không phải là hạng người yếm thế hay đa nghi. Trái lại, anh rất phóng khoáng, cởi mở, yêu mến người chung quanh, và lúc nào cũng đối xử bình đẳng và thân thiện với tất cả mọi người.

Những ai có dịp tiếp xúc với anh, cho dù là người cùng khổ nhứt, cũng đều cảm thấy thoải mái được đối đãi ngang hàng, thậm chí, trước sự nhún nhường của anh, còn có ý nghĩ cần phải cho anh một cái gì, hay chỉ bảo cho anh một điều gì. Anh luôn đặt mình trong hoàn cảnh và não trạng của người kia. Cái biệt khiếu đó của anh, không bao giờ là một xảo thuật dùng để tô điểm cho một thứ lễ độ bề ngoài, hay để hóa trang cho tính cao ngạo ngấm ngầm. Đây chỉ đơn thuần là bản chất, tình cảm và giáo dục của anh mà thôi.

Vì thế, nói về Trần Văn Bá là phải nói cho người sống, cho cuộc sống, cho những người tranh đấu hôm nay, cho các thế hệ tiếp nối mai sau, qua ý nghĩa của sự lựa chọnviệc làm của anh, trong dòng lịch sử mà anh đã nhập vào, ở cái đất nước mà anh đã cưu mang.

Đất nước là cái đất nước Việt Nam rất giàu về nhân dân, nhưng quá nghèo về lãnh tụ và công dân.

Lịch sử là cái lịch sử nghiệt ngã của một dân tộc đã phải tranh thủ tự chủ quốc gia suốt mấy ngàn năm và nay lại phải tiếp tục chiến đấu để chinh phục tự do, nhân quyền, và nhân phẩm căn bản của con người.

Lựa chọn của anh là cái lựa chọn chánh đáng, đảm nhận di sản chánh nghĩa quốc gia, tinh thần giữ nước bất khuất của cha ông, nguyện vọng độc lập, tự do, tiến bộ của dân tộc, được biểu trưng bởi ngọn cờ vàng ba sọc đỏ.

Việc làm của anh là cái việc làm khẳng khái, vị nhân sinh, kháng cự lại cái chế độ cộng sản tàn ác, điên rồ ở thời điểm người cộng sản say men chiến thắng, ra tay sát hại thủ tiêu hàng trăm ngàn quân, cán, chính Việt Nam Cộng Hòa, bức tử hàng triệu đồng bào Miền Nam trong các trại tập trung gọi là « cải tạo, » ở các vùng « kinh tế mới,» hay trên đại dương hãi hùng; bần cùng hóa nhân dân; đem tuổi trẻ làm vật tế thần cho cuộc chiến bành trướng qua Căm-Pu-Chia.

Trong khuôn khổ lịch sử và đất nước đó, các chuỗi biến cố xảy ra trong 40 năm qua đã xác minh tính khai phóngxác đáng của sự lựa chọn và việc làm của Trần Văn Bá.

Khai phóng là vì công cuộc kháng cự lại chế độ cộng sản đã được tiếp nối không ngừng bởi các thế hệ kế tiếp, thuộc mọi thành phần, trong và ngoài đảng, trong và ngoài Nước, dưới đủ hình thức và bằng mọi phương tiện, thích nghi với biến chuyển của tình thế Việt Nam và của cục diện thế giới.

Xác đáng là vì chính chế độ Hà Nội, qua sách lược trấn áp triệt để và thô bạo các thành phần « bất đồng chính kiến » và hoạt động dân chủ, đã xác nhận với nhân dân việt nam rằng « phương cách duy nhất để cải tổ chế độ cộng sản là dẹp bỏ nó; » và nhắn nhủ các nước dân chủ trên thế giới rằng : « muốn dân chủ hóa chế độ cộng sản thì phải giúp đở dân chúng lật đổ nó.»

Cộng sản việt nam tuyệt đối không bao giờ châm chước cho một nhen nhúm khởi loạn cho dù là khởi loạn của chữ nghĩa và tư tưởng, hay khởi loạn của quần chúng. Chánh sách triệt hạ các cá nhân và phong trào manh nha chống đối hay chỉ trích chế độ, sẽ được tiếp tục thực thi không chút nương tay.

Thế nhưng, chánh sách nầy và cả chế độ kia, sẽ tất yếu đi vào chổ bế tắc. Vì hai lý do. Một hữu hình và một vô hình.

Lý do hữu hình có thể lý giải và kiểm chứng được :

Chế độ Hà Nội hiện đang trong giai đoạn biến thể và tán loạn kinh mạch dù sự thật luôn luôn bị bưng bít. Ý niệm cộng sản đã dảy chết ở Âu châu, nơi nó được sản sinh ra.

Ngọn cờ đỏ búa liềm của Liên Xô, « quê hương của xã hội chủ nghĩa» mà Hồ Chí Minh và Tố Hữu đã ca tụng với những câu thơ « trữ tình lâm ly, » đã bị vứt bỏ và được thay thế bởi lá cờ xanh truyền thống của nước Nga.

Sự thất bại toàn diện của chủ nghĩa cộng sản đã được xác nhận, không bởi sự sụp đổ của bức tường Bá Linh năm 1989, nhưng chính bởi việc xây dựng bức tường đó năm 1961. Bởi vì nó cho thấy ngay từ lúc đó, bộ mặt thật của cái gọi là « chủ nghĩa xã hội » mục rữa đến độ phải xây tường bao nhốt dân chúng để ngăn cản không cho họ bỏ chạy.

Việc nầy cũng đã xảy ra ở Bắc Việt năm 1954 khi cộng sản đàn áp, tuyên truyền, ngăn chận không cho người miền Bắc di cư. Vậy mà 1 triệu người đã ồ ạt bỏ đi, và còn nhiều hơn nữa, nếu không bị cán bộ áp đảo ngăn chận. Điều này lại xảy ra lần thứ hai qua làn sóng thuyền nhân việt nam sau 1975.

Chế độ cộng sản phải luôn luôn dựa trên 3 cột trụ : thuật biện chứng, quyền lực của đảng, và công an mật vụ.

Ở Việt Nam, hiện 3 cột trụ đó đã lâm vào thế bất ổn.

Bộ chánh trị, vì quá bận kinh doanh, kinh tài, và phải lo gầy dựng sự nghiệp cho con cháu, nên đã lãng quên bài học biện chứng cơ bản nhập môn của Stalin :

Một quyền lực chỉ dựa trên sự kính yêu của dân chúng là một quyền lực bạc nhược.
Nhưng, một quyền lực chỉ dựa trên sự sợ hãi của dân chúng là một quyền lực bất ổn.
Một quyền lực bền vững phải đồng dựa trên sự sợ hải bạo chúa và trên lòng yêu kính bạo chúa.

Do đó, ta mới thấy sản sinh ra cùng lúc, từ một khuôn đúc chung, một bên là, nụ cười của Stalin, nụ cười của Mao Trạch Đông, nụ cười của Hồ Chí Minh trong những màn xoa đầu nâng niu trẻ thơ; và ở mặt khác, là guồng máy đàn áp và khủng bố tập thể mà Alexandre Soljenitsyne trong « quần đảo goulag», Harry Wu trong « Laogaï, the chinese goulag » và Nguyễn Chí Thiện trong « Hoa Địa Ngục và Hỏa Lò» đã mô tả một cách tỉ mỉ, sống động và thâm thuý.

Cộng sản Việt nam hiện chỉ còn biết loanh quanh tìm cách kiểm soát và khủng bố dân bằng cách gây nên sợ hãi, tức là, theo tiêu chuẩn của Stalin, chế độ đã lâm vào tình trạng bất ổn, trở thành què quặt, chỉ còn lê lết trên một chân, chân của sự đàn áp.

Guồng máy quyền lực của đảng đã rạn nứt. Không còn ai tin tưởng vào xã hội chủ nghĩa, ý hệ đã tan rã, tham nhũng lan tràn, cán bộ nản chí, bè phái cấu xé…

Và, vì không còn biết làm thế nào để được dân chúng kính yêu, lại không tìm ra được một nụ cười để thay thế nụ cười Hồ Chí Minh, nên đảng chỉ còn biết đem … tiền hưu trí ra chiêu dụ cán bộ và mua chuộc sự trung thành của công an. Đảng đang trên đà biến thành một lò dưỡng lảo.

Ai cũng có thể thấy : chế độ ngày sẽ càng đi sâu vào chổ bế tắc. Và càng ngày sẽ càng có nhiều người hết sợ và đứng lên chống lại guồng máy áp bức. Sự sợ hãi sẽ phải thay trục đổi bên. Khi dân nổi lên như ở Giao Chỉ hay Lam Sơn ngày xưa, thì ai sẽ là bên sợ hãi lo tìm đường trốn chạy ?

Lý do thấy được, phân tích được thì còn có thể vớt vát được phần nào.

Nhưng lý do vô hình thì vô phương chống đở.

Lịch sử Việt nam là một chuỗi dài chiến tranh.

Tuy những hình thức chiến tranh có lúc khác nhau, nhưng, như Nguyễn Trãi đã nói « hào kiệt thời nào cũng có. » Gương nghĩa khí và anh dũng cũng như sự đóng góp xương máu vô biên của dân chúng là một truyền thống sinh động gắn liền với lịch sử dân tộc.

Từ khi dựng nước và suốt mấy ngàn năm liền, rồi đến thời kỳ người Pháp qua Việt Nam, từ đầu thế kỷ 19 đến 1954, chiến tranh dành độc lập không ngừng diễn ra, chống ngoại xâm và chống ngoại bang chiếm đóng.

Trong gần hai trăm năm từ đầu thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 18, rồi từ 1954 đến 1975, là hai cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn : trước là Trịnh Nguyễn phân tranh và Nguyễn Huệ-Gia Long, rồi là chiến tranh Quốc-Cộng.

Đến bây giờ thì sao?

Từ quốc nạn 1975, xuất hiện một biến cố trọng đại chưa từng xảy ra trong lịch sử Việt nam : đó là chiến tranh nhân dân dành lấy tự do, nhân quyền và nhân phẩm, từ tay một bạo quyền Việt nam, độc chiếm cái gọi là quyền yêu nước, thương nòi và …« làm đày tớ cho nhân dân. »

Thế nhưng, các phương tiện và phương thức đấu tranh ngày nay mà nhân dân việt nam phải khai triển và sử dụng lại hoàn toàn mới lạ, trên nhiều trận tuyến : nhân dân không đồng phục, không quân đoàn; võ khí chủ yếu là tin liệu, tri thức, chữ nghĩa, lời nói, công nghệ thông tin, công pháp quốc tế…

Nhưng, không vì thế mà những người dân đi vào cuộc chiến nầy không phải là những chiến sĩ đứng nghĩa.

Họ có thể là những bloggers, nhà báo, nhà văn, học giả, nhà sư, linh mục, tín đồ giáo phái, sinh viên, tù nhân, cán bộ ly khai, công dân bình thường v.v.

Họ không « cỡi con gió mạnh, đạp làn sóng dữ » để chém tướng giặc ngoài trận mạc, hay «chỉ non Tây thề chẳng đội trời chung, trông cõi Bắc quyết thu về đất cũ,» như chiến sĩ của cuộc chiến dành độc lập ngày xưa. Nhưng, những chiến sĩ ngày nay vẫn phải đối diện với hiểm nguy và rủi ro ngặt nghèo.

Họ không phải ra trước làn tên mũi đạn, nhưng vẫn phải đối mặt với những quan tòa trâng tráo vô nhân, những cai tù hung ác, những đội hành quyết vô tình.

Một Nguyễn Chí Thiện, một Trương Văn Sương bị giày vò trong lao tù 30 năm, nhưng vẫn không khuất phục bạo quyền và đến chết vẫn bảo trì lý tưởng của mình;

một mẹ của Tạ Phong Tần, tự thiêu để cứu con ra khỏi nanh vuốt của chế độ;

một linh mục Nguyễn Văn Lý, một Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, một Tạ Phong Tần, một Phan Thanh Hãi, một Phạm Thanh Nghiêm, một Trần Huỳnh Duy Thức, một Lê Quốc Quân, v.v. chấp nhận trả giá cần thiết để thực hành quyền công dân và quyền con người của minh;

một Trần Văn Bá, một Hồ Thái Bạch, một Lê Quốc Quân, tiếp tục kêu gọi anh em đồng đội giữ vững niềm tin khi đi ra trước đội hành quyết ;

và rất nhiều trường hợp khác không thể kể hết ra đây;

là những chiến sĩ đáng phục và đáng tôn vinh, họ không kém gì các anh hùng liệt sĩ của các cuộc chiến dành độc lập.

Cuộc chiến của họ đòi hỏi lòng can đảm, óc sáng suốt , tinh thần hy sinh tuyệt đối, đóng góp máu và nước mắt, có thua gì cuộc chiến ngoài trận mạc đâu ?

Thế nhưng, có hai loại máu : máu câm nínmáu kêu thương.

Máu đổ ra trên trận địa được uống thầm lặng vào lòng đất.

Máu của người công dân vô tội, của người trung nghĩa, đứng lên chống bạo ngược, đổ ra trong thời bình, là máu kêu thương, phun thẳng lên trời.

Hồn thiêng sông núi và lòng người sẽ đón nhận.

Và xét xử.

Đó là cái công lý vô hình mà chế độ cộng sản việt nam vô phương chống đỡ.

8 tháng giêng, 2013

www. tranvanba.org