Thường Kiến nói chuyện với Trần Văn Tòng
Kỳ 2 - Nhận Định

Cập nhật 22 tháng 12, 2011

Chúng tôi đăng tải kỳ 2 của loạt bài nói chuyện giữa anh Trần Văn Tòng và học giả Thường Kiến về Việt Nam. Bài hôm nay gồm một số nhận định về cuộc tranh chấp trên biển Đông, về biến chuyển của nội tình Việt Nam trong cuộc đại khủng hoảng kinh tế và tài chánh hiện nay và bắt đầu khảo sát nhân tố quần chúng. Loạt bài sau sẽ kết thúc phần nhận định và sẽ đề cập đến các chủ đề :quả trứng của Colombus và Lựa chọn.

Ban Biên Tập

TK : Trước khi khảo sát cái hiểm họa mà anh cho là hết sức trọng đại của Việt Nam, tôi xin có một số câu hỏi về Hoàng Sa và Trường Sa. Nếu có thể, trước khi trả lời trong chi tiết các câu hỏi, xin anh cho một nhận xét toàn cục và hợp nhất về cuộc tranh chấp hiện nay trên biển Đông vì có quá nhiều tuyên bố trái ngược làm mờ mịt vấn đề.

TVT : Tôi sẽ cố làm sáng tỏ các mối quan hệ chủ yếu. Nhưng trả lời thỏa đáng các câu hỏi của anh thì thật là khó nếu không viện dẫn một số khía cạnh của cái hiểm họa đe dọa nghiêm trọng dân ta. Bởi vì, ít nhiều, nó đều có tác động qua lại với các thách thức đặt ra cho Việt Nam hôm nay, kể cả với Hoàng Sa và Trường Sa. Ngược lại, tôi mong là các câu hỏi ấy cũng sẽ giúp ta đề cập đến hiểm họa này từ nhiều góc độ khác nhau. Để tiện cho việc trình bày, tôi xin gọi nó là Quả trứng của Colombus (Christopher Colombus là người đã «khám phá» ra Mỹ Châu năm 1492). Ẩn dụ này sẽ được dùng để chỉ định vừa nan đề vừa giải pháp của hiểm họa. Tôi sẽ cố giải thích rõ ràng tại sao.

Biển Đông không chỉ giới hạn ở 6 quốc gia

TK : Vâng, được như thế thì rất tốt. Về Trường Sa và Hoàng Sa thì đây không chỉ là một vấn đề đặc biệt nhạy cảm đối với người Việt ở trong và ngoài nước, nhưng còn được giới nghiên cứu an ninh và chiến lược liệt kê, từ năm 1998, là một trong 8 điểm nóng của thế giới, có thể gây ra chiến tranh. Vì thế, cho dù việc mất Hoàng Sa và một phần Trường Sa có thể chỉ là một vết thương ngoài da của Việt Nam, nhưng ta không thể không quan tâm đến nguy cơ vết thương đó sẽ loang lở và gây nguy hại cho cả cơ thể quốc gia. Anh thẩm định thế nào nguy cơ đó?

carte1

Tranh chấp trên Hoàng Sa và Trường Sa

TVT : Chủ quyền trên Hoàng Sa (Paracels) và Trường Sa (Spratly) hiện vẫn còn trong vòng tranh chấp trên biển Đông. Giữa ít nhứt 6 quốc gia, như mọi người đều biết : Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Phi Luật Tân, Mã Lai và Bru Nây, mặc dầu một số đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc và Đài Loan dùng võ lực chiếm năm 1956, và sau đó Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ các đảo phía Đông, trong tay Việt Nam Cộng Hòa, vào ngày 19 tháng giêng năm 1974, và tiến chiếm thêm 6 điểm cùng một số bãi đá ngầm của quần đảo Trường Sa, năm 1988. Chính xác hơn, hiện Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan tranh chấp trên Hoàng Sa, còn Trường Sa là địa bàn tranh chấp giữa 6 quốc gia nêu trên.

carte2

Đường hàng hải qua biển Đông

Vấn đề, hiển nhiên, khó thể được giải quyết một sớm một chiều, và khó thể giới hạn ở các quốc gia này vì tầm chiến lược của nó ở thời buổi toàn cầu hóa : biển Đông là con đường hàng hải ngắn nhứt nối liền Bắc Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và là trục giao thông của một phần tư trao đổi thương mại thế giới. 70% nhập khẩu dầu thô của Nhật Bản và 80% nhập khẩu của Trung Quốc hiện được liên vận qua biển Đông. Hơn nữa, phần lớn các đường hàng không ở châu Á đều bay ngang qua vùng Hoàng Sa và Trường Sa. Và sau cùng, nhưng chủ yếu, là tiềm năng về một số tài nguyên có tính chiến lược : dầu thô, khí đốt, hạch kim, ấy là chưa kể những hải sản khác.

Cường quốc nào có thể tự thủ bàng quan đối với cuộc tranh chấp nầy ?

Nhiều cuộc đụng độ đã xảy ra và sẽ còn tất yếu tiếp tục xảy ra giữa các quốc gia liên hệ, đặc biệt giữa Trung Quốc và Việt Nam, với sự can dự ngày càng rõ nét của Hoa Kỳ : tranh chấp trên biển, trong đấu trường ngoại giao, trên các diễn đàn công luận bằng mọi phương tiện truyền thông. Mọi người đã có thể chứng kiến và sẽ còn tiếp tục chứng kiến những màn thao diễn và những tư thế cố hữu của giai đoạn sách động dư luận, tranh thủ chánh nghĩa, chiếm thế thượng phong trong một cuộc tranh chấp chủ quyền : thông cáo, tuyên cáo, hội thảo, hội nghị, hội đàm, phúc trình, bạch thư, biểu tình, thao dợt quân sự, thăm dò tài nguyên, tranh luận pháp lý, dựng trạm quan sát, đặt cột chủ quyền, v.v., với những biến chuyển đôi khi đầy vẻ nguy kịch.

Chức năng sàng lọc của Hiệp định Hòa bình Paris 1973

Diễn tiến tình hình và quá trình giải quyết cuộc tranh chấp khó thể thoát khỏi vòng tác động đặc thù của quan niệm và thực hành về bang giao quốc tế của Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai Đại cường có vai trò chủ yếu trong thế quân bình thế giới và trong khu vực. Đặc biệt dưới góc độ quyền lực và an ninh. Điều này vừa được minh hoạ qua lớp kịch Mỹ-Việt-Trung diễn ra vào tháng 11/2011 (xem khung : Mỹ-Việt-Trung, lớp 1 hồi 2 )

Mỹ-Việt-Trung
lớp 1 hồi 2

- Ngày 12/11/2011, tại Hội nghị thường niên Apec, ở Honolulu, Tổng Thống Obama công bố Mỹ và 8 nước khác – trong đó có Việt Nam nhưng không có Trung Quốc – sẽ hoàn thành, trong vòng một năm, một hiệp định thương mại có tên TPP (Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương), trong đó tất cả các nước thành viên sẽ là “đối tác chiến lược” của nhau. Đồng thời Hoa Kỳ triển khai một số biện pháp quân sự có tính biểu tượng để xác định quyền lợi và sự hiện diện của mình ở Đông Á;

- 10 ngày sau hội nghị Apec 2011, Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam, chánh thức xác nhận lần đầu, trước Quốc hội, ngày 25/11/2011, Trung Quốc đã dùng võ lực chiếm Hoàng Sa, và viện dẫn vòng vo «quyền quản lý» Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa vào thời điểm 1974, để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo này. Và mặc nhiên nhìn nhận chính danh của Nhà nước Nam Việt Nam khi xác nhận chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa đã có kêu gọi Liên Hiệp Quốc can thiệp để chống lại đợt xâm chiếm của Trung Quốc năm 1974 (trong sự im hơi lặng tiếng của Bắc Việt !)

- Cũng đúng 10 ngày sau, 6/12/2011, Chủ tịch nhà nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào phản ứng qua lời hiệu triệu Hải quân Trung Quốc hãy sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ nền an ninh quốc gia.

Ai không nhận ra ngay ở đây các tín hiệu đặc thù của cái thuật «3 mũi giáp công» (chánh trị, quân sự, dân vận tuyên truyền), khi nóng khi lạnh, khi tiến công khi hòa dịu, với cao điểm «đánh-đàm, đàm-đánh» để đạt mục tiêu chánh trị mong muốn, từng được thi triển trong Chiến tranh Việt Nam, cũng cùng với 3 diễn viên chánh Mỹ, Việt, Trung của vở kịch hôm nay ? Một vở kịch còn kéo dài nhiều hồi, qua những hình thái và cường độ, biến đổi theo đòi hỏi chiến lược và chiến thuật của chánh sách đối ngoại của Trung Quốc và Hoa Kỳ. So với loại Đại bi kịch Hy lạp 5 hồi của cuộc Hoà đàm kéo dài gần 5 năm (1968-1973) trong Chiến tranh Việt Nam và được kết thúc với Hiệp định Hòa bình Paris 1973, thì hiện ta vẫn còn ở lớp 1 của hồi 2.

Dĩ nhiên, tất cả các vận động, đề nghị, dự án, v.v. nhằm giải quyết cuộc tranh chấp hiện nay trên biển Đông - đặc biệt những lời kêu gọi khẩn thiết của Hà Nội cho một giải pháp dựa trên đàm phán và công pháp quốc tế - phải được sàng lọc qua bài học của Hiệp định Hòa bình Paris 1973, được ký kết để «chấm dứt chiến tranh và thiết lập hòa bình ở Việt Nam.»

Ai có thể kêu gọi đàm phán để đi đến một hiệp định, cho dù là một hiệp định hòa bình hay một hiệp định thương mại, có hiệu lực cho vùng Đông Nam Á và ràng buộc Việt Nam, Trung Quốc và Hoa Kỳ mà không nghiền ngẫm lại tiền lệ của Hiệp định Hòa bình Paris 1973 ?

hkci1

Midge Decter-Trần Văn Tòng-Henry Kissinger-Olivier Todd-Jean-François Revel

Rút tỉa bài học này là tiền đề tuyệt đối cần thiết để hoạch định một cách hữu hiệu hơn trong quá khứ, những điều kiện ắt có và đủ cho một hiệp định quốc tế khả thi và khả tín với 3 đối tác như Việt Nam, Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Tuy bắt nguồn từ Chiến tranh Việt Nam, nhưng bài học Hiệp định Hòa bình Paris 1973 phải được xem là một đóng góp cốt yếu cho công pháp quốc tế, có một hiệu dụng phổ quát, đặc biệt với 2 án lệ sau đây:

1) Cách hành xử của một Nhà nước như Cộng sản Bắc Việt đối với những cam kết của mình trong một hiệp định quốc tế - được chứng thị bởi 9 quốc gia và Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc - đặc biệt đối với điều 9 của Hiệp định Hòa bình Paris 1973, long trọng cam kết:

(a) Quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam là thiêng liêng, không thể chuyển nhượng, và phải được tất cả các nước tôn trọng.
(b) Nhân dân miền Nam Việt Nam sẽ tự quyết định tương lai chính trị của miền Nam Việt Nam bằng tổng tuyển cử tự do, dân chủ dưới sự giám sát của quốc tế.
(c) Các quốc gia khác sẽ không áp đặt bất kỳ một xu hướng chính trị hay một cá nhân nào lên miền Nam Việt Nam.

2) Cách thức Hoa Kỳ, cường quốc ký kết Hiệp định Paris 1973, phản ứng khi Cộng sản Bắc Việt, giẫm lên cam kết của mình, xua quân cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam tháng 4/1975.

Các nhà lãnh đạo trong cộng đồng thế giới, các giới có thẩm quyền quyết định trong các ngành lập pháp, hành pháp, luật pháp, có thể thoải mái áp dụng bài học này để cải tiến công pháp quốc tế hầu đảm bảo ổn định, hòa bình và công lý trong bang giao quốc tế. Cái giá phải trả cho nó đã được dân quân Miền Nam Việt Nam và các nhà dân chủ Việt Nam chân chính trả rồi và trả ... rất đầy đủ, rất hào sảng.

Hoa Kỳ không hề trở lại Á châu …

TK : Nhưng nhiều người cho là Mỹ nay đang «chuyển hướng.» Như anh thừa biết, dư luận, đặc biệt trong giới người Việt, hiện rất xôn xao với sự trở lại Á châu "ngoạn mục của Hoa Kỳ". Trong chuyến công du 9 ngày ở châu Á vào tháng 11/2011 vừa qua, Tổng thống Obama đã có những tuyên bố rất ấn tượng chẳng hạn như quyết định dàn ra thêm 2.500 thuỷ quân lục chiến ở phía bắc Úc châu. Theo anh, sự "chuyển hướng" này của Hoa Kỳ có thể đưa đến một thế quân bình mới ở Đông Á hay chỉ tổ làm gia tăng nguy cơ chiến tranh trong vùng ?

TVT :Theo tôi, các nhà bình luận cần phải dự trữ thêm nhiều tĩnh từ thích đáng hơn là «ngoạn mục,» «ấn tượng» hay «hoành tráng,» cho nhu cầu tương lai của họ. Bởi vì, như nói ở trên, hiện ta chỉ ở lớp 1, hồi 2 của vở kịch Mỹ-Việt-Trung dài 5 hồi.

Và ta phải xem đâu là diện đâu là điểm.

Mỹ không hề trở lại Á châu bao giờ. Bởi vì muốn trở lại thì phải đã ra đi. Mà người Mỹ có đi khỏi châu Á, đặc biệt Đông Á, bao giờ, mặc dầu đã hoàn toàn rút khỏi Việt Nam năm 1975. Hạm đội 7 của Hoa Kỳ không hề dời bản doanh khỏi Yokosuka, ở Nhật, và vẫn luôn là một quân lực vô song ở Á châu với 60 -70 chiến hạm, 200-300 chiến đấu cơ, 40 000 thuỷ quân. 28000 quân Mỹ vẫn đóng ở Nam Hàn.

Trọng tâm thương mại của Mỹ luôn nằm ở châu Á. Theo số liệu của bộ Thương mại, tỷ phần của Liên hiệp Âu châu, đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ, trong thị trường Mỹ đã tụt xuống 16,7% trong năm 2010 khi tỷ phần của các nước thuộc vòng cung Thái bình dương tăng lên 34,2%; và với 19,1%, Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu hàng hóa số 1 trên thị trường Mỹ, trước Gia Nã Đại. General Motors (GM), từng là công ty sản xuất xe hơi số 1, biểu tượng của kỹ nghệ Hoa Kỳ, và Shanghai Automative Industry Corp (SAIC), công ty sản xuất xe hơi số 1 của Trung Quốc đã liên kết tạo ra 10 công ty hiện là những thành tựu vượt bậc trong lãnh vực xe hơi ở Trung Quốc. Ngày 18/10/2010, cách đây hơn năm, khi GM trở lại sàn giá chứng khoán New York, sau khi tuyên bố phá sản năm 2009, thì SAIC đã xuất ra 500 triệu đô la để mua 15,2 triệu cổ phiếu GM.

Ngay sau khi nhậm chức vào tháng giêng 2009, Barack Obama đã khởi xướng một chương trình nhằm tái cấu trúc chánh sách Hoa Kỳ ở châu Á-Thái bình dương và tuyên bố đặt quan hệ Mỹ-Trung lên ưu tiên hàng đầu.

Ngày 15/02/2009, Hilary Clinton khởi hành chuyến công du đầu tiên ra ngoại quốc, được dành cho châu Á (Nhật, Nam Duong, Nam Hàn, Trung Quốc,) điều mà không một ngoại trưởng Hoa Kỳ nào đã làm trong suốt 48 năm trước. Và trong chuyến công du Á châu đầu tiên với tư cách Tổng thống, vào giữa tháng 11/2009, Barack Obama đã kêu gọi : «Tôi mong mỗi công dân Mỹ ý thức được là quyền lợi của chúng ta nằm trong tương lai của khu vực này. Những gì xảy ra ở đây, tác động trực tiếp trên đời sống của chúng ta.»

Ngày 01/10/2010, trong một hội nghị thu hẹp của bộ Ngoại giao, với cựu ngoại trưởng Henry Kissinger bên cạnh, Hilary Clinton xác nhận chiến tranh Việt Nam đã chi phối nặng nề thế giới quan của thế hệ của bà. Và khẳng định : «bài học của thời kỳ đó luôn nhào nặn các quyết định của chúng ta.»

Một cuộc thăm dò dư luận của tổ chức German Marshall Funds, được phổ biến ngày 14/09/2011, cho thấy 51% dân chúng Mỹ xem Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn là chủ yếu cho quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ hơn là Liên hiệp Âu châu.

Tóm lại, Hoa Kỳ không bao giờ ngớt xem mình là một cường quốc Thái bình dương có những ràng buộc đặc biệt với châu Á.

An Ninh Tập Thể, Chánh Trị Thực Tế, Địa Chánh Trị

Thật ra, nước Mỹ đã miễn cưỡng bước vào chánh trường thế giới từ năm 1919, để không bao giờ đi trở ra, khi Tổng thống Woodrow Wilson đề bạt ý niệm «An ninh tập thể» tại Hội nghị Versailles (Pháp) kết thúc đệ nhứt Thế chiến, và chủ trương lấy đó làm nguyên tắc chỉ đạo cho nền bang giao quốc tế qua sự hình thành của tổ chức Vạn Chủng Quốc, tiền thân của Liên Hiệp Quốc được thành lập tại Hội nghị San Francisco ngày 26/06/1945 do đề nghị của Tổng thống Franklin Roosevelt.

Ý niệm An ninh tập thể là một trong 3 ý niệm đã lần lượt hoặc cùng lúc chi phối sâu xa quan niệm và thực hành về bang giao quốc tế của các cường quốc Tây phương từ cuối thời Trung cổ. Hai ý niệm kia, một là «Quyền lợi quốc gia», còn được gọi «Realpolitik»(chánh trị thực tế), do đức hồng y Richelieu khai triển có hệ thống ở Âu châu vào thế kỷ 17, và hai là «Thế quân bình giữa các cường quốc» còn được gọi «địa chánh trị», mà Metternich, Thủ tướng nước Áo, là một nhà thực hành điêu luyện vào đầu thế kỷ 19. Tôi sẽ có dịp đi vào chi tiết của các điểm này khi đề cập đến một giải pháp cho cuộc tranh chấp hiện nay trên biển Đông.

Sau đệ nhị Thế chiến, Hoa Kỳ đã nghiễm nhiên trở thành một Siêu cường thế giới, can thiệp khắp nơi để chống lại chiến lược bành trướng toàn cầu của phong trào Cộng sản quốc tế do Liên Xô chỉ đạo, đặc biệt ở Triều Tiên và Việt Nam. Khi khối Cộng sản Xô Viết sụp đổ vào năm 1991 thì thế giới mặc nhiên bước vào một trật tự mới trong đó, như Henry Kissinger đã tóm lược một cách cô động, «điều mới lạ là Hoa Kỳ không thể xa lánh thế giới mà cũng không thể khống chế nó.» Nhận thức này đặc biệt ứng nghiệm trong trường hợp Á châu.

Khó xảy ra một chiến tranh cổ điển

Một số nhà phân tích, như anh vừa nhắc lại, đã cảnh báo về nguy cơ chiến tranh gây ra bởi cuộc tranh chấp hiện nay trên biển Đông, đặc biệt với chánh sách từng bước nhỏ tiệm tiến bành trướng trong vùng của Trung Quốc, đã được khai triển từ năm 1998.

Nhưng, theo tôi, cuộc tranh chấp không có xác suất cao đưa đến một chiến tranh quân sự cổ điển.

Tại sao?

Tại vì, trong động thái chuyển hóa tạo ra bởi cuộc đại khủng hoảng tài chánh và kinh tế hiện nay - khủng hoảng bộc phát ở Hoa Kỳ vào mùa hè 2007 và nay, vào cuối năm 2011, vẫn tiếp tục hoành hành khắp thế giới, đặc biệt trên bình diện các gánh nợ quốc gia và trên mặt tiền tệ - đó là kết luận hợp lý nhứt khi ta khảo sát các nhân tố chủ yếu của nguy cơ chiến tranh : bức thang thách thức đặt ra cho mỗi quốc gia can hệ, thành tố của quyền lực ở thời đại hôm nay và tương quan lực lượng giữa các diễn viên trong cuộc, tương liên lực lượng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhận thức về đe dọa và hệ thống liên minh đa phương của các nước trong vùng, cấu trúc bang giao quốc tế hiện hành.

Quyết định của Hoa Kỳ dàn ra 250 thủy quân lục chiến ở bắc Úc vào giữa năm 2012 để tăng dần số quân này lên 2500 trong những năm kế tiếp, chắc chắn đã không bị Bắc Kinh và Hà Nội xem thường vì con số vô nghĩa này so với quyền lực được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam (hơn nửa triệu quân trên chiến trường ở cao điểm của chiến tranh, hơn 58 000 tử vong trong cuộc chiến;) hay vì ngân sách quốc phòng của Mỹ hiện đang bị cắt giảm; hoặc vì mức nợ công của Hoa Kỳ đe dọa phá sản chánh phủ, cúp lương công chức đặc biệt công chức của bộ Quốc phòng !

Không !

Bắc Kinh và Hà Nội biết rõ hơn ai cả hệ thống dân chủ, cơ chế lấy quyết định, thực chất quyền lực của Hoa Kỳ. Nhưng nghi vấn mà họ không thể không đặt ra về Hoa Kỳ là : sức bền vững, sự liên tục, tính nhứt quán của chiến lược Á châu và ý chí chánh trị hỗ trợ công cụ quyền lực, đặc biệt vai trò của điều luật War Power Act 1973 giới hạn khả năng sử dụng võ lực của Tổng thống. Vì họ đã từng lợi dụng triệt để cái ám ảnh của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam : tuyệt đối tránh làm điều gì có thể bị Trung Quốc xem là một sự khiêu khích. Các chiến dịch oanh tạc Bắc Việt chẳng hạn, hoàn toàn bị chi phối bởi ám ảnh này. Các mục tiêu được lựa chọn không có giá trị chiến lược hay chiến thuật đáng kể, tổng số nạn nhân dân sự không quá 3200 theo số liệu của Hà Nội, thấp hơn số nạn nhân cộng sản của cuộc thảm sát Tết mậu thân ở Huế 1968, trái với tuyên truyền của giới phản chiến đã so sánh các cuộc oanh tạc Bắc Việt với quả bom nguyên tử được ném ở Hiroshima.

Chung quy lại, tôi không nghĩ là những biện pháp quân sự có tính hoàn toàn biểu tượng của Hoa Kỳ, có thể làm gia tăng rủi ro chiến tranh trong khu vực.

Một chỉ báo đáng chú ý : tiền bảo hiểm thăm dò thị trường trong vùng của các công ty bảo hiểm lớn không có gia tăng bất thường trong khoảng thời gian vừa qua của cuộc tranh chấp. Các bản nghiên cứu “rủi ro quốc gia” về Việt Nam của hai công ty bảo hiểm tín dụng hàng đầu thế giới, Euler Hermès thuộc tập đoàn Allianz và Coface đều không ghi nhận nguy cơ chiến tranh trên biển Đông là đáng kể.

Nói thế không có nghĩa là tình hình trong vùng không hàm chứa một đe dọa hay một tác hại nào đáng quan tâm cho dân tộc Việt Nam.

Vấn đề cần phải được cân nhắc dưới nhiều góc độ : di sản lịch sử, quyền lợi kinh tế, nhân tố địa chiến lược, môi trường chánh trị, địa bàn pháp lý, quan niệm và thực hành về bang giao quốc tế, tác động của cuộc khủng hoảng tài chánh và kinh tế toàn cầu trên cơ chế cấu trúc quyền lực và phân công lao động quốc tế.

Đó là tiền đề cần thiết để giải đáp thỏa đáng câu hỏi mà mọi người Việt đương nhiên đặt ra : cuộc tranh chấp hiện nay gây nguy hại gì cho quốc gia Việt Nam và đâu là phương sách đảm bảo an ninh và quyền lợi cho dân tộc Việt Nam ?

Chiến tranh Việt-Trung không ngừng tiếp diễn từ 1979

TK : Trước khi khảo sát các nhân tố ấy và xem đâu là giải pháp cho cuộc tranh chấp, tôi xin được tiếp tục duyệt qua các nan đề hiện đánh động người Việt. Chẳng hạn về hai điểm chót anh vừa nêu ra, như anh thừa biết, từ trong cũng như ngoài nước, đã dấy lên nhiều cảnh báo về đại họa mất nước trong tay người Tàu và nhiều chiến dịch đã và đang được phát động nhằm khẳng định «Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam» đồng thời bài xích người Hoa là những kẻ xâm lăng, hung hãn, tham lam, luôn luôn nuôi mộng bá quyền, đã đánh chiếm Hoàng Sa trong tay Việt Nam Cộng Hòa, v.v. … Anh nghĩ sao về căn cứ của những phản ứng ấy ?

TVT : Đó là những phản ứng dựa trên cảm tính và nhiệt huyết nhiều hơn trên một phân tích lạnh lùng.

Nếu cảm tính và nhiệt huyết là những nhân tố cần được đánh động để khởi xướng một phong trào quần chúng, thì phân tích lạnh lùng là yếu tố cấu thành của một quyết sách bảo đảm quyền lợi, an ninh và tương lai cho một dân tộc.

Nếu nói mất nước theo nghĩa bị ngoại bang chiếm đóng hay cai trị qua một lũ thừa sai mà dân ta thường gọi là Việt gian, thì điều này chỉ có thể xảy ra qua một cuộc chiến triền miên. Đó là lẽ tất yếu hiển hiện trong lịch sử nước ta.

Nhưng chiến tranh lần này sẽ khác hẳn với các cuộc chiến đã xảy ra trong quá khứ, về bản chất cũng như về hình thái. Bởi lẽ thành tố của quyền lực ở thế kỷ 21 đã đổi hẳn, về diện, về điểm cũng như trong bức thang quan trọng tương đối. Sức mạnh quân sự không còn là yếu tố định đoạt chủ chốt trong một cuộc tranh chấp giữa các quốc gia.
Đồng thuận dân tộc, gắn kết xã hội, uy thế tinh thần, uy tín chánh trị, hiệu năng nhà nước, nền tảng kinh tế, hệ thống tài chánh, mạng lưới thương mại, vốn liếng tri thức, trình độ khoa học, khả năng công nghệ, hào quang văn hóa, ảnh hưởng trên các hệ thống truyền thông và trên các cơ quan quốc tế, đã trở thành những nhân tố quyền lực trọng yếu trong thế giới hiện đại.
Quan điểm này đã bắt đầu đi vào thực hành với chỉ số được tạo ra từ mô hình toán học International Futures, để đo lường quyền lực của một quốc gia. Đó là một chỉ số phức hợp, chỉnh bình tổng sản phẩm trong nước (GDP), chi phí quân sự, dân số, công nghệ.

Việt Nam có thể bị Trung Quốc chiếm đóng hay cai trị qua một lũ thừa sai trong đà cuộc tranh chấp hiện nay trên biển Đông không ? Hay nói cách khác, một cuộc chiến triền miên giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể xảy ra không ?

- Không với một chiến tranh quân sự cổ điển, vì những lý do đã nêu ra ở trên cho cuộc tranh chấp giữa 6 quốc gia trên biển Đông. Trừ phi cộng sản Việt Nam tình nguyện làm công cụ xung phong vây hãm Trung Quốc, như khi đã chọn làm thừa sai cho Liên Xô, năm 1978, gia nhập tổ chức Comecon ( Hội đồng Tương trợ Kinh tế do Liên Xô chỉ đạo) và cho phép hải quân Liên Xô sử dụng cảng Cam Ranh trong vòng 25 năm.

- Nhưng, nếu ta hiểu chiến tranh như một xung đột giữa các ý chí Nhà nước, và gây chiến là sử dụng quyền lực để khuất phục kẻ địch phải làm theo ý muốn của mình, nói theo ngôn ngữ của Clausewitz (người mà tư tưởng quân sự được nghiên cứu ở hầu hết các trường võ bị trên thế giới và đặc biệt bởi Lênin trong thời kỳ lưu vong ở Pháp và Thụy Sĩ, vào đầu thế kỷ 20,) thì chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc không ngừng tiếp diễn bằng những công cụ quyền lực ngoài võ lực, sau cuộc chiến biên giới Việt-Trung năm 1979.

Xét trên từng nhân tố quyền lực nêu ra ở trên (chánh trị, kinh tế, tài chánh, thương mại, văn hóa, v.v.) thì, rõ ràng, Trung Quốc hoàn toàn chiếm thế thượng phong và không ngừng trấn áp Việt Nam với những tác hại muôn phần hiểm ác hơn một cuộc chiến quân sự. Nhìn từ góc độ này, Hoàng Sa và Trường Sa chỉ là hệ quả chớ không là nguyên nhân của cuộc xung đột lâu ngày giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tôi sẽ đi vào chi tiết của các điểm này khi ta đề cập đến … quả trứng của Colombus.

TK : Thế nhưng có nhiều lập luận cho rằng cộng sản Việt Nam đã bán nước cho Tàu từ lâu và hiện đang dọn đường để Trung Quốc đô hộ nước ta một lần nữa! Một số chứng cứ được trưng bày, chẳng hạn công hàm tháng 9, 1958 của Phạm Văn Đồng gửi cho Chu Ân Lai nhìn nhận lãnh hải của Trung Quốc trên biển Đông; chuyến viếng thăm chính thức Trung Quốc ngày 11 tháng 10, 2011 của Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, để cùng Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch nhà nước Trung Quốc, dự buổi lễ ký 6 văn kiện hợp tác toàn diện giữa 2 nước, kể cả về nguyên tắc chỉ đạo để giải quyết vấn đề biển Đông.

daotrong

Hồ Cẩm Đào-Nguyễn Phú Trọng, Bắc Kinh 2011

dungbush

Nguyễn Tấn Dũng-George Bush, Tòa Bạch Ốc 2008

TVT : Đó không phải là lập luận mà là một loại hô hào để gây ấn tượng trong một mít tinh. Nếu ta áp dụng những lý lẽ thô thiển ấy cho quan hệ Việt-Mỹ thì ta cũng phải kết luận là cộng sản Việt Nam đã… bán nước cho Mỹ và đang dọn đường để biến nước ta thành tiểu bang 51 của Hoa Kỳ. Chứng cứ theo kiểu hô hào : Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam, đã gởi con trai Nguyễn Thanh Nghị, đi học ở Hoa Kỳ từ lâu, đã nối gót Phan Văn Khải đi hành hương ở Mỹ, được Tổng thống George W Bush tiếp ngày 24 tháng 6, 2008 ở tòa Bạch Ốc và đã ký kết một số thỏa thuận thương mại và đầu tư, cùng cam kết chánh trị, ngoại giao, quân sự rất quan trọng, đặc biệt với quyết định thiết lập cơ chế quan chức đối thoại cấp cao giữa hai nước để thảo luận về vấn đề chiến lược, kinh tế, giáo dục, khoa học, môi trường và cả vấn đề quốc phòng. Mới đây, ngày 12 tháng 11, 2011, Chủ tịch nước, Trương Tấn Sang, nhân dịp đến Hawai dự hội nghị thường niên APEC, đã ngỏ lời «cảm ơn Hoa Kỳ vì quan tâm đến tranh chấp trên biển Đông.» và xác nhận : «Chúng tôi hợp tác rất tốt về quốc phòng và an ninh. Việt Nam xem Hoa Kỳ là đối tác rất quan trọng … Và hợp tác này không những mang lại lợi ích cho hai quốc gia, mà còn giúp duy trì an ninh và ổn định cho toàn khu vực.»

Những nan đề ảo được dựng lên từ các biến cố thời sự có thể đánh động lòng oán hận Mỹ hay kích thích dạ thù ghét Tàu và cho một số người cái cảm giác đã lấy được cấp tốc một vài chứng chỉ yêu nước, nhưng không chắc có thể giúp tất cả tập trung tâm trí để bóc trần các mâu thuẫn nội sinh nan giải hiện nay của chế độ cộng sản Việt Nam và nhận chân những nguy cơ đe dọa nghiêm trọng tương lai của dân ta.

Khi thẩm định các đột biến trong quan hệ Việt Trung, ta đừng quên là trước khi đi vào xung đột đưa đến chiến tranh biên giới 1979, đảng cộng sản Việt Nam đã từng được đảng cộng sản Trung Quốc bao che bảo bọc trong suốt non nửa thế kỷ. Trong cái gọi là chiến tranh chống Mỹ cứu nước của cộng sản Bắc Việt, Trung Quốc đã gởi 320.000 cán bộ kỹ thuật và bộ đội phòng không và chi hơn 20 tỉ đô la giúp Bắc Việt giành chiến thắng. Ấy là không kể hỗ trợ quân sự và tài chánh trong cuộc chiến tranh chống Pháp. Công hàm ngày 14 tháng 9, 1958 của Phạm Văn Đồng gởi cho Chu Ân Lai nhìn nhận hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trên biển Đông phải được hiểu trong khuôn khổ đó : một vấn đề nội bộ giữa hai đảng cộng sản Việt, Trung.

Phân tích đúng đắn mối liên hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong chiều dài của lịch sử, đặc biệt trên bình diện văn minh, văn hóa, tâm lý nhân sinh, chánh trị, kinh tế, an ninh, là điều tối cần thiết. Một thẩm xét của mối liên hệ này sẽ được trình bày sau, khi ta đề cập đến … quả trứng của Colombus.

Hòa bình không thể có, chiến tranh khó xảy ra

Ở đây, tôi chỉ muốn nêu lên vài sự kiện, số liệu và phân tích để chỉ rõ ra những biến chuyển trọng đại trong cán cân lực lượng Việt-Trung qua cuộc đại khủng hoảng, nhưng không có mục tiêu so sánh hai mô hình phát triển hay phân tích các điểm mạnh yếu của mỗi quốc gia. Tôi hoàn toàn ý thức là những sự kiện và con số đưa ra ở đây rất khô khan, không có chút gì gọi là gợi cảm, hào hứng hay hấp dẫn đối với quần chúng. Nhưng tôi sẽ không xin cáo lỗi. Bởi vì, trên bể cả mênh mông của những hô hào phỉnh dân sáo rỗng, những lập luận tự mãn sáo mòn, những kiến thức và đạo đức đại nhạc hội kêu-còi-ảo, những trí tuệ hang động tự đắc-tự phong, sự kiện và số liệu chính xác là chốn nương thân còn lại của lễ độ của trí năng và của sự đoan chính. Đằng sau các sự kiện và số liệu là đòi hỏi của con đường sống còn của dân ta như một dân tộc tự do, tự chủ, với tất cả trọng lượng của di sản lịch sử, thách thức, cơ may và ước vọng mà nó chuyên chở.

Sự kiện và số liệu cần lưu ý ở đây là :

- Quan hệ Việt-Trung từ sau 1975 luôn bị chi phối nặng nề, nếu không phải là hoàn toàn, bởi di sản ân oán giữa đảng cộng sản Việt Nam và đảng cộng sản Trung Quốc.

- Ngày nào tập đoàn cộng sản Hà Nội vẫn còn nắm quyền ở Việt Nam thì quan hệ Việt Trung tất yếu chỉ là sự tiếp nối của chiến tranh bằng những phương tiện ngoài võ lực, với viễn tượng tối hậu là quan hệ chủ tớ. Và vùng biển Đông sẽ luôn nằm trong trạng huống hiện nay : hòa bình không thể có, chiến tranh quân sự khó xảy ra !Tình trạng hòa bình bất khả, chiến tranh nan phát này tuy không hẳn là chiến tranh lạnh của thế kỷ 20, nhưng tất yếu làm tiêu hao nghiêm trọng nguồn lực quốc gia của Việt Nam.

- Cuộc đại khủng hoảng tài chánh và kinh tế, bộc phát vào mùa hè 2007 ở Hoa Kỳ, tác động chung quy cực kỳ thuận lợi cho Trung Quốc và vô cùng bất lợi cho Việt Nam, đặc biệt trên bình diện phân công lao động quốc tế và cán cân quyền lực.

Tác động của cuộc khủng hoảng trên cán cân lực lượng Việt-Trung

Trong 4 năm khủng hoảng vừa qua :

A) Vị thế của Trung Quốc đã mặc nhiên diễn tiến như sau :

1) quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới, vượt qua nước Đức năm 2009 (với 196 tỉ đô la xuất siêu);

2) nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, trên căn bản tổng sản phẩm trong nước (GDP), vượt qua Nhật năm 2010 (tuy nhiên GDP/đầu người vẫn chỉ là 1/10 của Nhật;)

3) thị trường xe hơi lớn nhứt thế giới (13,64 triệu chiếc bán trên thị trường) vượt qua Hoa Kỳ năm 2009;

4) kỹ nghệ chế biến số 1 thế giới (19,8% toàn cầu) vượt qua Hoa Kỳ(19,4% toàn cầu) năm 2010;

5) nước thứ 4 thế giới về văn bằng sáng chế quốc tế (12 337 cầu chứng năm 2010), trước Nam Hàn, Pháp, Anh. Theo cuộc điều tra tháng 6/2010 của Top 500, trong 500 siêu máy điện toán mạnh nhứt thế giới, chuyên dùng cho hoạt động nghiên cứu, có 24 máy do Trung Quốc sáng chế trong đó mẫu Nebulae, của công ty Dawning Information Industry, chiếm hạng nhì và mẫu Tianhe-1 xếp hạng 7.

6) Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), trên bình diện tổng sản phẩm trong nước (GDP) tính theo sức mua tương đương (PPP, purchasing power parity), Trung Quốc (với 19000 tỉ đô la) sẽ vượt qua Hoa Kỳ (với 18800 tỉ đô la) vào năm 2016.

7) Hệ thống tài chánh cũng theo đà, củng cố cơ sở, tăng cường phương tiện và đòn bẩy một cách cực kỳ hùng hậu, tạo điều kiện cho một chánh sách quyền lực và ảnh hưởng toàn cầu : dự trữ ngoại hối vượt lên trên 3200 tỉ đô la (tháng 7/2011) tức 53% dự trữ ngoại hối bằng đô la của thế giới, đặt Trung Quốc vào vị trí của Hoa Kỳ khi đệ nhị thế chiến kết thúc; tích lũy 1160 tỉ đô la trái phiếu ngân khố Hoa Kỳ (tháng 8/2011) và 500 tỉ euros trái phiếu ngân khố khu vực Euro (tháng 5/2011). Ngày 19/6/2009, ở cao điểm của cuộc khủng hoảng, trong 10 thị giá cao nhứt thế giới trên thị trường chứng khoán, có 3 công ty Trung Quốc (Petrochina hạng 1, Industrial and Commercial Bank of China hạng 3, China Construction Bank Corp. hạng 10.) Cũng vào năm 2009, có 4 ngân hàng Trung Quốc nằm trong 10 ngân hàng có lợi nhuận lớn nhứt thế giới.

8) Ngân sách quốc phòng năm 2011 (+12,7%/năm), bắt lại nhịp độ gia tăng trung bình +12%/năm của 20 năm qua, sau khi tạm giảm xuống +7,5%/năm trong năm 2010. Guồng máy quân sự được hiện đại hóa gia tốc : nâng cấp hệ thống rađa, tăng cường hạm đội (chiến hạm, tàu lặn tấn công, hàng không mẫu hạm), củng cố và phát triển võ khí tối tân (võ khí hạt nhân, phi đạn chống vệ tinh, phi đạn chống hàng không mẫu hạm, chiến đấu cơ tàng hình,) đẩy mạnh đầu tư công nghệ quốc phòng và trang thiết bị quân sự. Nhiều chuyên gia thẩm định trong vòng 5 năm tới, Trung Quốc sẽ hoàn tất hệ thống phóng chiếu quân sự tầm xa. Bộ quốc phòng Hoa Kỳ, trong bản phúc trình thường niên 2011 về quân lực Trung Quốc, đã bày tỏ quan ngại nỗ lực quân sự này sẽ gây xáo trộn trong thế quân bình địa chánh trị ở Á châu, tuy rằng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc hiện chỉ là 1/6 của ngân sách quốc phòng của Mỹ.

9) Giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, tri thức hiển nhiên được nâng lên hàng ưu tiên. Trung Quốc đã xây dựng thành công một nhóm đại học và viện nghiên cứu có khả năng thực hiện nhiều công trình tiên tiến có trình độ quốc tế, liên kết hiệu quả với khu vực công nghiệp và hội nhập tích cực thị trường chất xám toàn cầu. Trong bản xếp hạng các Đại học trên thế giới của Time Higher Education cho năm 2011-2012, có 9 đại học Trung Quốc nằm trong 400 đại học hàng đầu thế giới. Các đại học này ngày càng mời được nhiều nhà khoa học Trung Quốc xuất sắc từ ngoại quốc, đặc biệt từ Mỹ, trở về với điều kiện làm việc cạnh tranh. Cedric Villani, một trong 4 nhà toán học nhận giải thưởng toán Fields 2010 (trong đó có Ngô Bảo Châu), tuyên bố, ngày 24/11/2011, trước Uỷ ban Quốc hội Pháp khảo sát vấn đề sáng chế trên thế giới : trong chuyến viếng thăm đại học Tsing Hua mới đây, ông đã vỡ lẽ là các đại học Trung Quốc có một ngân sách «kinh khiếp!» liên tục gia tăng 15%/năm trong 4 năm qua. Theo phúc trình của hội Royal Society được công bố ngày 29/03/2011 ở Luân Đôn, chỉ trong vòng 10 năm qua, Trung Quốc đã vượt lên hạng nhì thế giới, sau Hoa Kỳ, về lượng bài khảo cứu được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế.

10) Ảnh hưởng trên các tổ chức và cơ quan quốc tế được bành trướng triệt để. Trung Quốc hiện là :
- quốc gia đóng góp nhân sự lớn nhứt, trước nước Pháp, cho các hoạt động duy trì hòa bình của Liên Hiệp Quốc;
- thành viên hàng đầu của nhóm G20, diễn đàn được thành lập để đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chánh và thúc đẩy cuộc đối thoại giữa các quốc gia công nghiệp và các nước mới nổi, về ổn định tài chánh toàn cầu và cải tổ hệ thống quản trị thế giới;
- nước chủ xướng cuộc đàm phán 6 bên về bán đảo Triều Tiên (Hoa Kỳ, Nhật, Trung Quốc, Nga, Nam Hàn và Bắc Hàn;)
- thành viên cột trụ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organisation, SOC), đối trọng của Nga ở Trung Á;
- thành viên năng động của đàm phán Asean +3 (Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á + Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn) và của Diễn Đàn Khu Vực Asean về An Ninh;
- thành viên sáng lập của tổ chức Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc-Asean.

11) Địa hạt nghệ thuật, biểu hiện sinh động của uy danh của một quốc gia cũng không bị sao lãng. Năm 2010, trên thị trường bán đấu giá Fine Art, Trung Quốc đã vượt lên hàng đầu với 33% doanh thu thế giới, trên Hoa Kỳ (30%) và Anh Quốc (19%).

B) Tiến trình của Việt Nam là hoàn toàn đảo ngược :

Các cột trụ đảm bảo ổn định cho một nền kinh tế nay được mở toang, đã lâm vào tình trạng mất thăng bằng nghiêm trọng, mở ra một vòng luẩn quẩn bất ổn nan giải :

1) Cán cân thương mại không ngớt thâm hụt suốt cả thập niên : nhập siêu 19 tỉ đô la của nửa thập niên 2001-2005 được nhân lên hơn 2 trong nửa thập niên sau 2006-2010,vượt 44 tỉ đô la hay bình quân 10,5% GDP, (tính theo số liệu IMF.)

2) Tiền vào tiền ra của hoạt động trao đổi quốc tế về hàng hoá, dịch vụ, lao động, nguồn vốn, và một số chuyển ngân - thuật ngữ gọi là Cán cân vãng lai, có ảnh hưởng trên tỉ giá của đồng tiền quốc gia - cũng thâm hụt kinh niên. Trong 5 năm 2006-2010, thâm hụt bình quân là 5,6 tỉ đô la/năm hay 6,5% GDP/năm (tính theo số liệu IMF.)

3) Dự trữ ngoại hối cạn kiệt, vào cuối 2011 sẽ rơi xuống dưới mức báo động của hai tháng nhập khẩu, khoảng 12 tỉ đô la.

4) Ngân sách nhà nước, thể hiện khả năng hoạt động cùng nỗ lực và cao vọng của chánh phủ, cũng liên tục thâm hụt (bội chi) suốt cả thập niên. Bội chi trung bình từ 4% GDP/năm trong 7 năm 2000-2006, tăng lên hơn 7% GDP/năm trong 3 năm 2007-2009 (tính theo số liệu IMF.) Thâm hụt ngân sách và thâm hụt ngoại thương liên tục, tất yếu dẫn đến nợ công, nợ chánh phủ, nợ nước ngoài gia tăng.

5) Nợ công tự nó không hẳn là một điều xấu. Tất cả tùy số nợ được hỗ trợ bởi một hệ thống kinh tế, tài chánh, tiền tệ vững chắc ra sao, được tài trợ như thế nào, và, quan trọng hơn cả, được sử dụng cho việc gì…

TK : Nợ công hiện là một đề tài tranh luận nóng trong nước, ở Quốc hội, trong chính quyền cũng như trong giới hoạch định chính sách quốc tế, có lẽ một phần vì chịu ấn tượng của những xáo trộn gây ra bởi nợ công ở Âu châu đặc biệt ở Hy Lạp và ở Hoa Kỳ. Có dư luận cho rằng nợ công Việt Nam đã tăng đến mức độ nguy hiểm, có thể gây ra xáo trộn tài chánh, với 54,6%GDP dự phóng cho năm 2011, trong đó phần nợ nước ngoài có thể tăng đến 50 tỉ đô la so với 32,5 tỉ đô la cho năm 2010, và 27,9 tỉ đô la cho năm 2009. Phía chính quyền thì cho là nợ công Việt Nam vẫn nằm trong vòng kiểm soát vì hơn 75% được tài trợ bởi nguồn ODA (viện trợ phát triển chính thức với thời gian vay dài, 30-40 năm, lãi xuất thấp, 0,75%-2%). Thế thì theo anh nợ công Việt Nam đã đến mức báo động chưa? Ý nghĩa và chức năng kinh tế đích thực của nợ công là gì ? Số liệu là cần, nhưng ta cũng cần hiểu ý nghĩa chính xác của những số liệu ấy.

TVT : Thứ nhứt, xáo trộn tài chánh và kinh tế đã xảy ra từ lâu ở Việt Nam, không đợi gì nợ công vượt lên trên 54%GDP. Thử hỏi có một nước nào, chịu lạm phát trung bình mỗi năm 13% trong suốt 5 năm qua, và hơn 18% trong 11 tháng đầu của năm 2011, với đồng tiền bị phá giá 6 lần trong vòng 20 tháng (tháng 6/2008 đến tháng 2/2011) mà không bị xáo trộn kinh tế và tài chánh ? Những ai có lợi tức cố định, hay có lương bổng tùy thuộc vào guồng máy chánh phủ là phải chịu thiệt thòi nhứt. Đó là trường hợp của công chức, cán bộ, bộ đội, giáo chức, người về hưu,v.v., nói chung của các thành phần kém thế trong xã hội, không có mốc nối với các thế lực tài chánh, tức là của tuyệt đại đa số dân chúng, Lợi tức và có thể một phần lớn tài sản của họ đương nhiên bị mất toi đi hơn 2/3 sức mua trong 5 năm qua. Lạm phát phi mã hiện nay chẳng những đào sâu thêm hố bất công trong xã hội Việt Nam mà còn tất yếu làm giảm thấp mức tăng trưởng kinh tế, nay đã tuột xuống dưới 6% và theo nhiều dự phóng sẽ còn tiếp tục hạ thấp với những hệ quả khôn lường cho đời sống hàng ngày của dân chúng (Economist intelligence unit, chẳng hạn, dự phóng tăng trưởng của Việt Nam trong thời kỳ 2011-2020 sẽ không vượt quá trung bình 5.1%/năm.)

Thứ hai, khi nói đến nợ công thì phải biết nợ công nào. Định nghĩa nợ công của bộ Tài chánh Việt Nam khác với định nghĩa của các cơ quan quốc tế và của đa số các nước trên thế giới. Định nghĩa quốc tế chủ yếu dựa trên hệ thống kế toán quốc gia (hay tài khoản quốc gia) của Liên Hiệp Quốc, SNA 2008. Theo phép tính do Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) chủ trương chẳng hạn (chớ không theo số liệu của bộ Tài chánh Việt Nam được ghi lại trong bản báo cáo hàng năm của IMF, Vietnam country report) thì nợ công Việt Nam vào cuối năm 2011, không là 54,6%GDP mà phải là tối thiểu 80% GDP (xem khung bên cạnh : phân tích và thẩm xét nợ công Việt Nam.)

Thẩm xét nợ công Việt Nam

Vay nợ, tức huy động tín dụng, thật ra là cái bóng đi theo quá trình tăng trưởng. Bởi vì kinh tế chỉ có thể phát triển khi có người chấp nhận đánh cuộc trên tương lai, bỏ công bỏ tiền ra hôm nay cho một hoạt động kinh tế với kỳ vọng trong tương lai sẽ gặt hái được thành quả có giá trị cao hơn công của hiện tại. Đó cũng là định nghĩa chính xác của đầu tư. Và đầu tư thì phải cần tài trợ, tức cần tín dụng, tức đẻ ra nợ. Và như thế nợ trong căn bản là 2 then chốt : sử dụng nợ và quản lý thời gian. Do đó nhân tố chủ yếu không là mức tổng nợ công mà là phép tính kinh tế để lựa chọn các dự án công, hay nói cách khác, để phân bổ vốn đầu tư công (đánh giá một đầu tư, lựa chọn giữa hai đầu tư, trị giá thời gian.) Nhân tố trọng tâm của phép tính kinh tế đó là tỉ suất qui giá hiện hành (discount rate - taux d’actualisation.), một ý niệm cơ bản trong bộ môn kinh tế. Ấn định mức độ của tỉ suất qui giá này là một giai đoạn chủ yếu trong quá trình soạn thảo chiến lược phát triển của một quốc gia cũng như của một xí nghiệp (xem chẳng hạn : Révision du taux d’actualisation des investissements publics, Commissariat général du Plan, 2005 - Duyệt lại tỉ suất qui giá hiện hành của đầu tư công, Tổng nha kế hoạch, Pháp, 2005.)

Diễn giải một cách thật thỏa đáng chức năng và ý nghĩa của nợ công, tác động của nó trên thế quân bình và trên quá trình tăng trưởng kinh tế, sẽ đem ta ra khỏi khuôn khổ của cuộc trao đổi hôm nay. Bởi vì thật khó mà không đề cập đến một số ý niệm, cơ chế và luận điểm mang tính lý thuyết, ít nhiều trừu tượng như rủi ro, cơ chế tạo ra tiền tệ từ hư không, tài sản không rủi ro, người cho vay sau cùng và đặc biệt thị trường tín dụng và tài sản trong đó luật cung cầu cổ điển về hàng hóa không còn hiệu lực vì cung và cầu được liên kết thuận chiều và cùng tùy thuộc vào sự gia tăng giá cả của tài sản. Hiện tượng này nhiều nhà kinh tế chuyên nghiệp vẫn không nhận thức rõ để thích nghi cách tiếp cận với vấn đề điều tiết tài chánh.

Tuy nhiên về mặt thiết thực, nợ công Việt Nam có thể được thẩm xét trong một khuôn khổ phân tích và với những khái niệm tương đối đơn giản và thông thường.

Trước hết về định nghĩa. Định nghĩa nợ công của bộ Tài chánh Việt Nam khác với định nghĩa của các cơ quan quốc tế ở chổ chỉ gồm nợ của Nhà nước và nợ được Nhà nước bảo lãnh nhưng không bao gồm nghĩa vụ nợ của các đơn vị thuộc khu vực Nhà nước như Ngân hàng trung ương, và các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), một thành phần rất quan trọng trong hệ thống kinh tế Việt Nam.

Mặc dầu có thể có một số khác biệt kỹ thuật thứ yếu ví dụ như phép hạch toán các trái phiếu nhà nước (giá trị danh nghĩa hay giá trị thị trường) và các nghiệp vụ của ngành bảo hiểm (dự trữ kỹ thuật và cổ phần công ty,) các cơ quan quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Hội nghị Liên Hiệp Quốc cho Mậu dịch và Phát triển (UNCTAD), Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OEDC), và đa số các quốc gia, đều thống nhứt trên định nghĩa nợ công là nợ của khu vực cơ quan hành chánh công theo định nghĩa của khu vực này trong hệ thống tài khoản quốc gia SNA 2008 của Liên Hiệp Quốc (cập nhật hệ thống SNA 1993 được sử dụng lúc trước.)

Theo IMF chẳng hạn (xem Government finance statistics manual IMF 2001,) khu vực công gồm : Nhà nước, các cơ quan trung ương (gồm cơ quan an sinh xã hội), các cơ quan thuộc tiểu bang (trong một cấu trúc liên bang), các cơ quan địa phương, các doanh nghiệp tài chánh và tiền tệ Nhà nước (gồm Ngân hàng trung ương), và các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) phi tài chánh.

Theo định nghĩa này nợ công Việt Nam 2011, không là 54.6%GDP mà phải là tối thiểu 80% GDP, vì theo số liệu của IMF, trong 3 năm 2006-2008, nợ của 7 DNNN lớn nhứt (EVN, PetroVN, VNPT, Vinashin, Vinacomin, Vinarubber, Vinatex) là trung bình 24.9%GDP (trong Economist Intelligence Unit, Vũ Thành Tự Anh, ước tính nợ công Việt Nam 2010, theo định nghĩa của UNCTAD, tối thiểu là 70%GDP.)

Theo công trình nghiên cứu của Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff về lịch sử của các cuộc khủng hoảng, thì nếu vượt quá 90%GDP, nợ công có thể, trong tương lai, chia 2 tăng trưởng xu thế, hay đà tăng trưởng, đã đạt được trước khi tổng nợ công vượt thềm 90%GDP. Như đã nói, tất cả tùy nền tảng kinh tế, thể thức tài trợ và thục tế sử dụng của nợ công. So sánh nợ công của các nước với nhau lắm khi đưa đến nghịch lý kinh tế. Chẳng hạn về nợ công năm 2011, tính trên tỷ lệ GDP, theo số liệu IMF, giữa Chí Lợi (10%), Úc (23%), Trung Quốc (27%), Thái Lan (43%), Pháp (85%), Hoa Kỳ (100%), Nhật Bản (229%), thì trường hợp Việt Nam với 54,6% (bộ Tài chánh) hay 80% (IMF) có vẻ không đến nỗi khẩn trương. Nhưng, trên thực tế, diễn tiến của gánh nợ công của Việt Nam cho dù theo số liệu bộ Tài chánh (54,6%GDP năm 2011, 60-65%GDP đến năm 2015, theo kế hoạch trình Quốc Hội,), mọi điều khác đều bằng nhau, sẽ làm bất ổn kinh tế và tài chánh càng thêm trầm trọng. Bởi vì :

a)Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa trên đầu tư, không trên xuất khẩu, và hoàn toàn lệ thuộc vào 4 dòng tài chánh xuất phát từ ngoài nước : ODA (viện trợ phát triển chánh thức,) FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài,) kiều hối, lượng du khách quốc tế. Nếu vì bất cứ lý do nào, 4 dòng này đảo chiều thì cả nền kinh tế sẽ tất yếu bị đẩy vào con đường sụp đổ. Tuy nằm ngoài vòng kiểm soát của chánh phủ Việt Nam, nhưng, do kiến trúc, cả 4 dòng sẽ biến chuyển xấu nếu mức tín nhiệm đối với Việt Nam bị suy giảm. Ghê thay, trên bình diện này, trong năm 2011, cả 3 hãng đánh giá tín dụng hàng đầu thế giới, Standard&Poor’s, Moody’s và Fitch đều hạ bậc tín nhiệm về nợ của chánh phủ Việt Nam; kế đến Diễn Đàn Kinh tế Thế giới (WEF)trong báo cáo Năng Lực Cạnh Tranh Toàn Cầu 2011-2012, sụt hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam xuống 6 bậc so với năm trước, đứng dưới hầu hết các láng giềng Đông Á và Đông Nam Á; sau cùng Ngân Hàng Thế Giới hạ Việt Nam xuống 8 bậc trong bản xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2012. Như thế điều kiện tài trợ của nền kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng khó khăn về lượng cũng như về lãi xuất.
Kỳ thật, ODA và FDI đang trên đà suy giảm (FDI năm 2011 sẽ giảm khoảng 30% so với năm trước.) và ta đừng quên, trong quá khứ FDI cũng đã từng gia tăng ồ ạt và chấm dứt bất ngờ ở nhiều nơi khác trong khu vực Đông Nam Á. Kiều hối (hiện trên 8 tỉ đô la/năm) và du khách quốc tế (hiện đến 6 triệu khách/năm) tuy vẫn giữ mức độ cao nhưng có thể biến chuyển bất ngờ. Nhứt là kiều hối vì phần lớn vốn - có thể đến 70% - được dồn vào bất động sản, một bong bóng đang trên đà nổ vỡ ở Việt Nam. Hơn nữa, một tỉ lệ đáng kể trong kiều hối và trong nguồn vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam là những khoản đầu cơ tài chánh ngắn hạn, đặc biệt đầu cơ lãi suất (đô la gởi ngân hàng ở Mỹ hiện là 0,25-0,5%/năm, ở Việt Nam là 5%/năm), dễ vào mà cũng dễ ra. Một nền kinh tế như thế khó gánh một nợ công 54,6%GDP có xu hướng gia tăng, trong điều kiện tài trợ và thực tế sử dụng hiện nay.

b)Trong tổng nợ công, nợ ODA (thời gian vay dài, 30-40 năm, lãi xuất thấp, 0,75%-2%) chiếm hơn 75%, nhưng tỉ lệ này đang giảm dần, và nợ thương mại với lãi suất cao, có xu hướng gia tăng. Điều nguy hại nhứt là nợ ODA phải được hoàn trả bằng ngoại tệ, chủ yếu bằng đô la, trong khi các chương trình sử dụng ODA thì đẻ ra tiền đồng. Từ tháng 6/2008 đến tháng 2/2011, đồng bạc Việt Nam bị phá giá 6 lần. Tỉ giá bình quân cho năm 2008 theo Ngân hàng thế giới là 16540 đồng/1 đô la. Tỉ giá trung bình tháng 12/2011 là 21000 đồng/1 đô la. Như thế trong khoảng thời gian từ 2008 đến nay, đồng bạc đã mất giá hơn 27% đối với đồng đô la, tức nhiên nợ ODA bằng đô la, mọi điều khác đều bằng nhau, tự động tăng lên hơn 27% cho Việt Nam. Với lạm phát tiếp tục nhịp độ phi mã hiện nay, trên 18%/ năm, không triển vọng giảm tốc, với cán cân ngoại thương, cán cân vãng lai cùng ngân sách nhà nước tiếp tục thâm hụt, dự trữ ngoại hối (khoảng 12 tỉ đô la) dưới 2 tháng nhập khẩu, cộng thêm tăng trưởng trên đà suy giảm, đồng bạc Việt Nam tất yếu sẽ tiếp tục bị áp lực phá giá, tức là gánh nợ ODA, tức nợ công, sẽ ngày càng nặng thêm và như thế gánh tổng trả nợ của Chánh phủ tất yếu sẽ gia tăng, ngân sách Nhà Nước lại càng thêm thâm hụt và như thế lại làm tăng áp lực phá giá đồng bạc. Vòng xoáy trôn ốc bất ổn tài chánh công cứ thế leo thang. Và càng leo nhanh vì nợ ODA chủ yếu được dùng cho đầu tư công, nguồn gốc của thâm hụt ngân sách, đầu cơ, lạm phát, lãng phí và tham nhũng.

c)Với thời gian vay 30-40 năm, nợ công, do kiến trúc, là một gánh nặng đặt lên vai các thế hệ mai sau, lớp người phải đảm đương nghĩa vụ nợ. Do đó, nợ công chỉ có thể được biện minh nếu thật sự hữu hiệu cho việc chuẩn bị và xây dựng tương lai. Nhiệm vụ của những người nắm quyền quyết định chánh trị, kinh tế, tài chánh là thẩm định khả năng tạo ra tăng trưởng của mỗi khoản nợ công.

Trả lời chất vấn của các đại biểu trước Quốc Hội ngày 28/10/2011 bộ trưởng Tài chánh Vương Đình Huệ tuyên bố : «Tuyệt đại bộ phận nợ công tập trung cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng…Kết quả sử dụng nợ công đã làm cho tăng trưởng kinh tế trong 5 năm vừa qua đạt tỉ lệ 7,2%. Mức này cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.»

Thực tế là như thế nào ?
Là hoàn toàn trái ngược với khẳng định trơ tráo đó.

Nếu quả đúng hơn 70% tín dụng và tổng vốn đầu tư của Nhà nước được dành cho khu vực kinh tế quốc doanh trong các năm qua, thì chính khu vực ngoài quốc doanh đã tạo ra gần 70% tổng sản phẩm trong nước. Tỉ lệ tăng trưởng hơn 7% của Việt Nam phần lớn là thành quả của khu vực dân doanh và FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài.)

Ta hãy lắng nghe, không phải thành phần mà chế độ cáo buộc là phản động, phản cách mạng v.v. lúc nào cũng cố tình xuyên tạc xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhưng chính nhóm chuyên gia thuộc chương trình Việt Nam của đại học Harvard (Hoa Kỳ) được Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng của chế độ, yêu cầu nghiên cứu và phúc trình về «chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam 2010-2020.»

Trong bản báo cáo mang tên Lựa chọn thành công (bản tiếng Anh : Choosing success, a policy framework for Vietnam’s socioeconomic development, 2011-2020, Harvard University.)được trao tận tay đương sự ngày 15/1/2008, nhưng không hề được phổ biến hay bình luận trên báo chí Việt Nam, các tác giả (David Dapice, Vũ Thành Tự Anh và nhiều tác giả) đã chỉ rõ ra rằng, trong ngành công nghiệp, động cơ chủ yếu của tăng trưởng và hiện đại hóa kinh tế Việt Nam, «khu vực dân doanh và đầu tư nước ngoài chiếm tới 90% tăng trưởng và là nguồn tạo ra hầu hết việc làm mới cho nền kinh tế.» So với các nước láng giềng như Đài Loan, Nam Hàn, Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, trong giai đoạn phát triển tương tự, thành quả phát triển của Việt Nam rất thấp kém. Chẳng hạn Việt Nam là nền kinh tế tạo ra công ăn việc làm ít nhứt nhưng lại cần nhiều vốn đầu tư nhứt cho tăng trưởng, phải tốn gần gấp đôi lượng vốn để tạo thêm được một đơn vị tăng trưởng nếu so sánh với Đài Loan.

Tại sao đầu tư công Việt Nam lại kém hiệu quả như thế ? Tại vì đó là chứng tật bẩm sinh của xã hội chủ nghĩa độc đảng cho dù nó được hóa trang để đóng vai định hướng cho một nền kinh tế thị trường như ở Việt Nam hiện nay ! Chuỗi tác động nhân quả dây chuyền đi từ việc thao túng nền kinh tế quốc gia bởi các nhóm lợi ích đặc biệt và các tập đoàn kinh tế Nhà nước đến đầu cơ, tham nhũng, lãng phí, vô hiệu quả, trong các chế độ công sản, đã được nghiên cứu và phổ biến rộng rãi trước và sau khi khối cộng sản Xô Viết sụp đổ.

Báo cáo Lựa chọn thành công đã xác minh hiện tượng này trong trường hợp Việt Nam : «đa số dự án công chỉ nhằm phục vụ các mục tiêu chánh trị và hành chánh hơn là kinh tế và nhiều khoản vốn trên danh nghĩa được phân loại là đầu tư nhưng kỳ thật là những khoản tiêu dùng trá hình…Công luận không ngớt đưa tin về những dự án cơ sở hạ tầng bị chậm tiến độ, đội giá và chất lượng kém. Trong nhiều trường hợp, dự án được lựa chọn mà không hề căn cứ vào những tiêu chí kinh tế thích hợp.»

Các tập đoàn Nhà nước lớn như Petro Việt Nam (dầu khí), Vinashin (đóng tàu), EVN (điện lực) chẳng hạn đều chạy theo lợi nhuận dễ và nhanh, do đó đều nỗ lực mở rộng hoạt động đầy tham lam sang nhiều lãnh vực khác không liên hệ gì với thiên chức của mình như bất động sản, hãng du lịch, phân phối điện thoại di động và nhứt là thành lập hay đoạt quyền kiểm soát ở một số ngân hàng để dùng làm công cụ tài trợ cho các kế hoạch mở rộng địa bàn kiểm soát của mình. Dĩ nhiên lợi nhuận dễ và nhanh thường đi đôi với rủi ro cao. Chung quy các tập đoàn Nhà nước đã lạm dụng vốn nợ công, đặc biệt nợ bằng ngoại tệ, để đầu cơ trong thị trường nội địa nhứt là trong thị trường bất động sản, tạo ra mầm mống của một khủng hoảng tương tự như cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chánh 1997 ở Á châu.

Vụ vỡ nợ của Vinashin hiện nay và thất thoát, thua lỗ của EVN trong tài khóa 2011, đến độ phải tăng giá điện 5% từ ngày 20/12/2011, tức là đánh thuế trá hình 5% trên người dân, minh họa nguy cơ khủng hoảng kinh tế và xáo trộn xã hội đang hình thành.

Báo cáo Lựa chọn thành công xác nhận, vào đầu năm 2008 : «khu vực kinh tế nhà nước đang thất bại trong việc đạt được những mục tiêu đề ra ban đầu… Tham nhũng chắc chắn là một trong những thủ phạm khi các quỹ đầu tư công bị bòn rút và thay đổi mục đích sử dụng, và hệ quả là chi phí kinh doanh bị đội lên cao.»

Các vị đại biểu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần nghiền ngẫm lại nhận xét này vì không một ai đã đứng lên phản biện lời tuyên bố trâng tráo của bộ trưởng Tài chánh Vương Đình Huệ trước Quốc hội ngày 28/10/2011, khẳng định mối liên hệ nhân quả giữa chánh sách đầu tư công của chánh phủ và tỷ suất tăng trưởng cao, hơn 7%/năm.

Nợ công 229%GDP của Nhật Bản được tài trợ hơn 96% bởi người dân Nhật và các tác nhân kinh tế trong nước, với lãi suất bình quân 0.8%/năm, hiễn nhiên dễ kiểm soát và dễ quản lý hơn 54,6%GDP nợ công Việt Nam !

Tuy vấn đề có vẻ phức tạp vì những khái niệm kỹ thuật vận dụng và những mối liên hệ với lý thuyết kinh tế, nhưng thực tế nợ công ở Việt Nam rất đơn giản : vốn nợ công hiện được phân bổ phần lớn, không theo một tiêu chuẩn kinh tế mà chỉ nhằm phục vụ mục tiêu chánh trị, tài chánh và hành chánh của các nhóm lợi ích. Một nền kinh tế Việt Nam với cấu trúc, vốn liếng con người, tình trạng kỹ thuật, tích lũy tri thức, chế độ chánh trị của những thập niên vừa qua, chỉ có thể hấp thụ một lượng vốn giới hạn. Đổ vào ồ ạt khoảng 68 tỉ đô la Viện trợ phát triển chánh thức,ODA, cam kết trong thời kỳ 1993-2011 và hơn 214 tỉ đô la Đầu tư ngoại quốc trực tiếp, FDI đăng ký trong thời kỳ 1988-2010, thì tất yếu một phần phải bị lãng phí, một phần phải chảy vào túi tiền tham nhũng, một phần phải bốc hơi thành lạm phát.

Nan đề nợ công Việt Nam có thể tìm thấy giải đáp trong một nhận xét vừa giản đơn vừa sâu sắc của David Ricardo, nhà kinh tế người Anh của thế kỷ 19, cha đẻ của định luật nổi tiếng về lợi thế so sánh trong mậu dịch quốc tế. Ông cũng là một trong những người đầu tiên vận dụng phương pháp toán học để đặt ra lý thuyết kinh tế, báo hiệu sự ra đời của trường phái kinh tế toán, chung quanh tạp chí Econometrica,năm 1933. David Ricardo khẳng định : hệ thống kinh tế chỉ có thể hoạt động tốt và tồn tại với điều kiện là được quản lý bởi … những con người tử tế (dĩ nhiên với ngụ ý là vừa tử tế vừa có tài năng. Từ mà Ricardo dùng là gentleman.)

Vấn đề nợ công, cũng như tất cả các vấn đề trọng đại khác của Việt Nam hiện nay là :

người tử tế ở đâu ?
đâu là những người quản lý hệ thống như người tử tế ?

Những người tử tế tìm đâu thấy,
Chỉ thấy lan tràn đảng cướp dân !

6) Ngoài những tác hại làm xói mòn tiềm năng phát triển kinh tế, lãng phí và lạm dụng vốn nợ công còn làm chênh lệch trầm trọng hơn nữa cán cân quyền lực Việt-Trung qua cơ chế phân bổ nguồn lực ở Viêt Nam và phân công lao động trên trường quốc tế.

Một tác động trọng đại của cuộc khủng hoảng tài chánh và kinh tế 2007 là một mặt, thuyên chuyển quy mô công nghệ, của cải, tri thức, hoạt động sản xuất, từ các nước tiên tiến qua các nước thị trường mới nổi, và mặt khác, gia tốc phân công lao động quốc tế.

Trong quá trình này, Trung Quốc là quốc gia thủ lợi lớn nhứt và nay đang bước vào giai đoạn thực hiện một trong hai mục tiêu chiến lược của kế hoạch ngũ niên 12 (2011-2015) nhằm san bằng khoảng cách công nghệ đối với Tây phương. Việt Nam, ngược lại, không rút tỉa được một mảy may lợi lộc gì. Vì chánh sách phân bổ đầu tư công, do các nhóm lợi ích chi phối, đã không tạo ra được địa bàn, cơ cấu, nhân sự cần thiết để tranh thủ lợi ích của cuộc thuyên chuyển quy mô lịch sử này.

Cán cân quyền lực Việt-Trung do đó ngày sẽ càng thêm chênh lệch.

Một số nhà bình luận viện dẫn những tai biến xảy ra trong ngành công nghệ của Tàu, như tai nạn xe lửa cao tốc vừa qua, để hớn hở phán quyết rằng Trung Quốc chỉ là người khổng lồ có chân bằng đất sét, không thể tiến xa được. Và quyền lực Trung Quốc chỉ là một hiện tượng phù phiếm không đáng quan ngại.

Tôì nghĩ trái lại những người húy kỵ quyền lực Trung Quốc phải xem những tai nạn công nghệ ấy là điều…đáng lo hơn cả, chớ không đáng mừng. Vì đó là chứng cớ khách quan cho thấy Trung Quốc đang hay đã vượt qua mô hình sản xuất thâm dụng lao động để bước vào mô hình sản xuất kỹ nghệ vận dụng công nghệ, kiến thức khoa học, kỹ thuật tổ chức trong đó hoạt động được thăng tiến theo quá trính quen thuộc «thử nghiệm và sai lầm» của khoa học.

Sai lầm và tai nạn là cái bóng đi theo thành tựu trong quá trình này. Mỗi sai lầm là cái bệ phóng cho các thành tựu kế tiếp. Maurice Allais, người đoạt giải Nobel Kinh tế học năm 1988, trong các buổi giảng dạy, thường hay bông đùa rằng : «lịch sử của khoa học có thể được tóm lược qua chuỗi sai lầm của … những người tài giỏi !»

Công nghệ Hoa Kỳ có những sai lầm gây ra tai nạn phi thuyền Challenger và nhà máy hạt nhân Three Miles Island. Công nghệ Pháp phạm những sai lầm gây ra bất trắc cho nhà máy hạt nhân Fessenheim. Công nghệ Nga có những sai lầm gây ra tai nạn nhà máy hạt nhân Tchernobyl, v.v. Nhưng công nghệ của Hoa Kỳ, Pháp, Nga đều có những thành tựu thần kỳ mà mọi người đều biết.

Thách thức và yếu nhược của Trung Quốc nằm ở chổ khác, không ở những tai biến công nghệ đã xảy ra.

Dầu sao, không mấy ai hoài nghi hiệu lực vô song của mô hình sản xuất kỹ nghệ để tạo ra của cải và quyền lực cho một quốc gia. Và nếu xu hướng hiện nay được xác nhận, Trung Quốc chuyển hóa thành công qua mô hình sản xuất kỹ nghệ và Việt Nam tiếp tục hãm mình trong mô hình thâm dụng lao động thì quan hệ Việt-Trung tưong lai sẽ là quan hệ giữa người vô sản và chủ nhân ông. Tôi sẽ đi vào chi tiết của các khía cạnh này khi ta đề cập đến …quả trứng của Colombus.

Không nhứt thiết bị ngoại xâm mới mất nước

TK : Họa này ghê gớm có thua gì họa mất nước ! Như thế Trung Quốc có cần gì xua quân xâm chiến Việt Nam ?

TVT: Càng không cần thiết xua quân hay dùng võ lực khi có trong tay 53% dự trữ ngoại hối bằng đô la của thế giới cộng với đòn bẩy WTO (Tổ chức thương mại thế giới) cho phép ung dung đầu tư khắp nơi vào những hoạt động hay khu vực hoặc đoạt quyền kiểm soát các công ty, để phục vụ quyền lợi quốc gia của mình. Thí dụ : Trung Quốc đã kiểm soát phần lớn cảng Le Pirée, một biểu tượng của nước Hy Lạp, cái nôi của nền văn minh Tây phương. Và công ty Aluminium Corp of China Ldt đã đầu tư vào dự án khai thác quặng Bô xít ở Tây Nguyên Việt Nam như mọi người đều biết.

Còn về ám ảnh mất nước thì phải thấy rằng, thật ra, không nhứt thiết bị ngoại xâm mới mất nước.

caitao

Trại cải tạo của cộng sản Việt Nam

Khi tự do bị tước đoạt, khi nhân quyền bị tịch thâu, khi nhân phẩm bị chà đạp, khi tài sản bị cưỡng chiếm, khi tội ác được tôn vinh, khi quốc kỳ trở thành biểu tượng của hận thù, sắt máu và tham nhũng, khi quốc sách là hiện thân của thực dân mới, áp bức, bốc lột và bất công, khi tuổi trẻ bị đem làm vật tế thần cho một chủ nghĩa chuyên chế và ngu muội, khi công lý được biến thành công cụ đàn áp, khi nghĩa đồng bào phải chịu kỷ luật đảng, khi tình người bị quản lý, thì tổ quốc không còn, chỉ còn một giải đất, một guồng máy áp bức, một nhà nước chuyên chính và một phỉ quyền mà thôi. Đó là thông điệp gởi đến thế giới của hàng triệu người Việt qua cuộc di tản đẫm máu chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam, sau khi cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam, tháng 4 năm 1975. Và đó cũng là lời nhắn nhủ của đa số thầm lặng trong nước qua vô số tín hiệu. Não trạng của họ được lưu truyền trong dân gian qua hai câu :

«Dép râu dẫm nát đời son trẻ,
Tai bèo che khuất nẻo tương lai !»

TK : Như thế phải diễn giải thế nào, phải cảm nhận thế nào khẩu hiệu «Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam» của các cuộc biểu tình ở hải ngoại của những người Việt đã bỏ nước ra đi?

TVT : Là họ, người Việt ở ngoài cũng như ở trong nước, qua khẩu hiệu cô động đó, thực hành giá trị phổ quát và bất diệt của ý niệm Quốc Gia.
«Quốc Gia là một linh hồn, một nguyên lý tinh thần,» như nhà tư tưởng Ernest Renan đã xác định trong bài thuyết trình trứ danh «Qu’est ce qu’une Nation ? (Thế nào là Quốc Gia ?)». Linh hồn đó, tinh thần đó được tác thành bởi hai nguồn tình cảm. Một nằm trong quá khứ : một lịch sử chung, cấu thành bởi những quang vinh và khổ nhục, thành tựu và hy sinh của một tập thể. Một nằm trong hiện tại : lòng ưng thuận và ý chí cùng chung sống, cùng chia sẻ vận mạng của một dân tộc.

Cô động và khẳng khái, khẩu hiệu «Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam» nối liền hai nguồn tình cảm đó, hài hòa quá khứ với hiện tại đồng thời nói lên nỗi khắc khoải của người dân trước sự lụn bại của chế độ nắm quyền trong nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi quốc gia.

Yếu tố quần chúng

TK : Như thế có phải hiểu là ta nên cổ vũ và hổ trợ các cuộc biểu tình, các chiến dịch cho Hoàng Sa và Trường Sa hiện nay không ?

TVT : Ý niệm và tinh thần Quốc Gia hiện chỉ được thể hiện bởi ý thức của mỗi con người Việt Nam còn lại mà thôi, không bởi chánh quyền hay chánh phủ hiện hữu.

Do đó, phổ biến đến công luận hồ sơ cập nhật của cuộc tranh chấp lâu đời ở biển Đông, đặc biệt giữa Trung Quốc và Việt Nam; cảnh giác quốc dân về nguy cơ lãnh thổ và lãnh hải bị xâm phạm; biểu tình để khẳng định trước dư luận quốc tế, lý lịch quốc gia và ý chí bảo toàn di sản của tiền nhân là những việc đương nhiên cần làm và càng nên làm khi đất nước bị thống trị bởi một tập đoàn độc tài, dĩ đảng trị quốc, sẵn sàng bán tháo trong bóng tối quyền lợi quốc gia để bảo vệ địa vị và quyền hành thống trị của mình.

Nhưng việc làm này chỉ có hiệu dụng, nghĩa là góp phần thiết thực vào đòi hỏi xoay chuyển tình thế, nếu được quần chúng tiếp nhận và cộng hưởng. Quần chúng chớ không phải chánh quyền. Bởi vì kinh nghiệm lịch sử và sự kiện trước mắt cho thấy ta không thể mong gì ở «thiện chí» tự cải cách của đảng cộng sản và tập đoàn nắm quyền ở Việt Nam, để xoay chuyển tình thế.

Tình thế chỉ có thể được xoay chuyển nếu quần chúng chuyển mình, và chuyển mình đúng hướng. Và muốn biết thế nào là đúng hướng thì phải biết đâu là hiểm họa và cơ may của đất nước, đâu là nguồn mạch tinh thần của dân tộc, đâu là những chuyển hóa văn minh của thời đại, đâu là những biến chuyển trọng đại trong thế quân bình thế giới - đặc biệt với tác động của cuộc đại khủng hoảng tài chánh và kinh tế toàn cầu hiện nay -, đâu là động lực và cơ chế tác thành mối an nguy, lẽ cường nhược và tiềm năng phát triển của nước ta.

Nếu chỉ tung hô khẩu hiệu, hô hào ái quốc nhiệt tình suông, bài xích người Tàu, oán trách người Mỹ, nguyền rủa thực dân Pháp, thì e rằng không đủ để đảm bảo an ninh và quyền lợi cho dân ta.

Thật ra, Hoàng Sa và Trường Sa cũng như tranh chấp biên giới Việt-Trung trên đất liền chỉ là một khía cạnh của vấn đề quan hệ láng giềng của Việt Nam trong đó đòi hỏi về biên giới Việt-Miên và yêu cầu từ phía Lào về công cuộc khai thác sông Cửu Long không phải là những thách thức không đáng kể.

Và quan hệ láng giềng hay rộng hơn nữa, quan hệ quốc tế, tuy là địa bàn của cuộc xung đột Việt-Trung, cũng chỉ là một trong bốn yếu tố hoạch định sự an nguy, tiềm năng phát triển và tương lai của nước ta. Tôi sẽ duyệt qua các yếu tố này khi đề cập đến quả trứng của Colombus.

TK : Như thế có nên trước nhất kêu gọi quần chúng thay đổi cách suy nghĩ, thay đổi cách tiếp cận với các vấn đề quan hệ quốc tế, phát triển đất nước, quyền lợi dân tộc, quyền hạn công dân, chế độ chánh trị, tổ chức kinh tế-xã hội, hay không ?
Và nếu quần chúng - vâng quần chúng chứ không phải đảng cộng sản hay chính quyền Việt Nam - là đối tác cần thiết để xoay chuyển tình thế thì xin anh phân tích bản chất, vai trò và tầm quan trọng của nhân tố này trước khi đề cập đến một giải pháp cho vấn đề biển Đông và …quả trứng của Colombus.

TVT: Cái câu «Thay đổi cách suy nghĩ của quần chúng» chỉ là một cách nói, thường được dùng để gây ấn tượng trong các bài thuyết giảng hay các cuộc diễn thuyết. Nó hoàn toàn vô nghĩa, bởi vì, do kiến trúc, quần chúng không có suy nghĩ, không có ý chí bền vững. Hay đúng hơn, quần chúng chỉ suy tưởng bằng hình ảnh và được thúc đẩy bởi tiềm thức, cảm tính, định kiến hơn là bởi ý thức, lý trí, viễn kiến. Điều này có thể nhận thấy ở tất cả các cộng đồng, qua tất cả các thời đại. Đó là kết quả thực nghiệm của nhiều cuộc điều tra có hệ thống.
Đã từ lâu, tâm lý quần chúng là một đề tài nghiên cứu lớn trong các bộ môn xã hội học, tâm lý học, chánh trị học và luôn cả thuật binh bị (Xem chẳng hạn, La psychologie des foules [Tâm lý quần chúng,] Gustave Le Bon, Paris 1895.)

Nhiều mô hình phối hợp toán học, thống kê học, tâm lý học, nhận thức học được soạn thảo để tiên liệu cách ứng xử của quần chúng dưới ràng buộc của cảm tính, tiềm thức, lòng ham mê. Một số kết quả có kiểm chứng, được khai thác rộng rãi trong các giới chánh trị, nghiệp đoàn, kinh doanh, truyền thông, v.v. Chẳng hạn, những cuộc thăm dò hay nghiên cứu dư luận, đặc biệt trong các mùa bầu cử, những chiến dịch tiếp thị để tung vào thị trường một sản phẩm cho đại chúng, những kế hoạch sách động đám đông, v.v. đều vận dụng ít nhiều những mô hình như thế.

TK : Trong trường hợp Việt Nam, đặc tính nào của cái tâm lý quần chúng ấy là động cơ chủ yếu ?

TVT : Hiển nhiên đây là điểm quan trọng và lại mang tính thời sự với phong trào quần chúng nổi dậy, từ đầu năm 2011, đánh đổ một số chế độ độc tài ở Bắc Phi và Trung Đông. Phong trào được gọi là «mùa xuân Ả rập».

Trước khi khảo sát trường hợp Việt Nam, ta cần phân tích tập tính và tâm lý chung của mọi quần chúng, xem như một thực thể xã hội và lịch sử, để có thể rút tỉa hữu hiệu bài học của những biến cố xảy ra ở các quốc gia khác. Việc làm này chắc chắn sẽ khó tránh khỏi bị các tín đồ của cái đạo mà tôi gọi là «đạo phỉnh dân» cáo buộc là phạm thượng khi dân đấy.

Ở thời hiện đại, quần chúng đã mặc nhiên trở thành một thực thể vừa được sùng thượng vừa được triệt để khai thác :

- Sùng thượng ở các chế độ toàn trị, dĩ nhiên chỉ về mặt hình thức, vì đó là phương cách mà tập đoàn nắm quyền sử dụng để lèo lái đám đông và khai thác nhân lực cùng danh nghĩa của nhân dân, hầu củng cố và hợp thức hóa chế độ. Ở Việt Nam chẳng hạn, ai đã chẳng nghe điệu hát chát tai : «Đảng, Chính Phủ, Bộ Chính Trị chỉ là đầy tớ của nhân dân», và đầy tớ đó «không có bất cứ quyền lợi nào khác ngoài quyền phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân.»
Ai đã chẳng thấy phơi bày khắp nơi các biểu tượng của cái lòng sùng thượng nhân dân ấy : báo nhân dân, quân đội nhân dân, công an nhân dân, tòa án nhân dân, v.v.

- Sùng thượng ở các quốc gia dân chủ như một thần linh chỉ đường bởi vì, do kiến trúc, đó là nguồn mạch của mọi quyền hành chánh trị. Alexis de Tocqueville, nhà tư tưởng chánh trị lớn của thế kỷ 19, tác giả của tuyệt tác cổ điển Luận về nền dân chủ ở Hoa Kỳ (De la démocratie en Amérique) nhận xét : «Niềm tin đặt vào công luận đã trở thành một loại tôn giáo ở nước Mỹ, trong đó thánh nhân là thành phần đa số của quần chúng.»

Mà thần thánh thì chỉ được chiêm bái và tán tụng, chớ không được phạm thượng đem ra phân tích. Nhứt là khi thần thánh ấy lại có nhiều chứng tật xấu xa.

Chẳng hạn, hiển hiện ở mọi quần chúng, ngoài những đặc tính nêu ra ở trên, là tính a dua, bắt chước, vầy đoàn, rạp khuôn. Thành kiến, cái dở, điều xấu được tích lũy trong quần chúng dễ dàng hơn là lẽ phải, cái hay, điều tốt. Một con người bình thường có thể rất phong nhã, trí thức, duy lý, nhưng khi nhập vào quần chúng thì mất cả khả năng quan sát, khả năng lý luận, khả năng phê phán và thường phản ứng với bản năng của một con người bán khai. Trong quần chúng, một nhà thông thái và một người dốt nát thường phản ứng như nhau, chẳng có khác biệt gì đáng kể.

TK : Hình như trong lịch sử nhân loại, tính bắt chước, thói a dua của con người là động lực lôi cuốn mãnh liệt nhất cho một cuộc nổi dậy của quần chúng, và nó có thể đưa quần chúng đến hai thái cực hoàn toàn trái ngược : cuồng bạo tột cùng hay hy sinh tuyệt đối. Có đúng thế không ?

TVT : Không chỉ đúng cho trường hợp quần chúng nổi dậy mà thôi ! Trong nhận xét của anh, thấp thoáng tư tưởng của René Girard, người đã lập thuyết rằng tính bắt chước, đặc biệt lòng ham muốn nhái lại (désir mimétique - mimetic desire), là động cơ chỉ đạo hành vi con người. Định luật căn bản của thuyết này có thể được tóm gọn như sau : con người ham muốn một đối tượng (vật thể hay chủ thể) vì một người khác ham muốn đối tượng ấy. Và đó là động lực nhào nặn tất cả các nền văn hóa, các nền văn minh của nhân loại (xem chẳng hạn : Violence and the sacred - The scapegoat - Mensonge romantique et vérité romanesque – Things hidden since the foundation of the world - Evolution and conversion : dialogues on the origins of culture.)

TK : René Girard cũng được biết đến như người đã phân tích rất sâu sắc hiện tượng quần chúng trong suốt chiều dài của lịch sử. Và hình như lý thuyết của ông cũng là một đối trọng đáng kể của chủ nghĩa Mác xít thì phải …

TVT : Triết gia của bạo lực và tôn giáo, thuộc Hàn Lâm Viện Pháp, René Girard đã khai sáng một lý thuyết độc đáo, khi theo đuổi sự nghiệp hàn lâm ở các đại học Mỹ, đặc biệt trong thời gian giảng dạy ở đại học Stanford (California), vào hậu bán thế kỷ 20. Đối chọi lại với chủ nghĩa Mác Xít về hành vi con người, về nền tảng xã hội, về nguồn gốc văn hóa của nhân loại, Girard đã kiên trì theo đuổi công trình nghiên cứu của mình, trong suốt nửa thế kỷ, một cách đơn độc, bên ngoài các giới chánh thức, các đoàn thể xác lập, nhứt là ở Pháp.
Ngày nay tư tưởng của ông có một ảnh hưởng lớn trong khắp các bộ môn của khoa học nhân văn. Nó diễn giải thâm thúy các hiện tượng xã hội (quần chúng, thời trang, bạo lực, nhu cầu chỉ định một thủ phạm, thường được gọi là cơ chế “con vật bung xung hay con dê tế thần [bouc émissaire hay scapegoat mechanism]), các tính nết con người (sở thích, ham mê, tham vọng, ghen tuông, ganh tỵ, đua đòi, kiêu ngạo, khiêm cung, tinh thần hy sinh v.v.) và có nhiều ứng dụng phong phú trong vô số lãnh vực từ nhân chủng học, văn học, nghệ thuật đến tôn giáo, tư tưởng chiến lược, v.v.. Nhà nhân chủng học Jean-Pierre Dupuis, cũng là giáo sư ở đại học Stanford, đã không ngần ngại gọi René Girard là Albert Einstein của khoa học nhân văn ! Nhiều khía cạnh của lịch sử cận đại của Việt Nam, theo tôi, có thể được soi sáng một cách phong phú với chủ thuyết của Girard.

TK : Vâng, tôi vẫn nhớ cái hôm, cách đây mấy năm, anh viện dẫn chủ thuyết của René Girard để diễn giải hành vi của Cộng Sản Việt Nam trong việc chia đôi đất nước năm 1954 ở Genève, lập trường trung lập hóa Việt Nam của Pháp sau 1954, và diễn văn của Tướng De Gaulle ở Phnom Pênh năm 1966, bài bác sự can thiệp của người Mỹ ở Việt Nam.

TVT : 3 thí dụ đó cho thấy trong lịch sử cũng như ở mỗi cá nhân, nhân vật Hoạn Thư luôn luôn lấn át nhân vật Anh Thư, lòng đố kỵ, tính ghen tuông, lúc nào cũng làm băng hoại tinh thần hướng thượng của con người ! Nhiều người bạn ngoại quốc, đặc biệt người Pháp, không phủ nhận căn cứ của phân tích ấy.

TK : Vâng, tôi được biết sử gia Emmanuel Le Roy Ladurie, giáo sư Collège de France và nhà tư tưởng chính trị Jean-François Revel thuộc Hàn Lâm Viện Pháp, Nhà văn Olivier Todd, đều có vẻ tán đồng phân tích về chính sách của Pháp ở Việt Nam đó.

jfrll

Le Roy Ladurie-Jean-Fraçois Revel-Tran Van Tong-Blair Dorminey

tvtot

Tran Van Tong-Olivier Todd

TVT : Đó là những người yểm trợ khẳng khái mọi cuộc tranh đấu cho tự do và quyền căn bản của con người và dứt khoát chống lại mọi hình thức áp bức, độc tài, chuyên chế : cộng sản cũng như chánh sách thực dân Pháp. Trong quan hệ nhân sinh họ không có xu hướng trấn áp ngưòi khác, nhưng trái lại khuyến khích mọi người cố tự chủ lấy tư tưởng của mình.

Tôi còn nhớ cái ngày tháng giêng 1990, Jean François Revel kéo tôi đi ăn trưa ở khu Montparnasse, Paris để nói về bài bình luận ông sắp đọc trên đài phát thanh Europe1, phê bình gắt gao chánh sách cưỡng bách hồi hương thuyền nhân Việt nam của nước Anh và Cao Ủy Tị Nạn. Chưa bao giờ tôi thấy ông giận dữ như thế, đỏ mặt mắng nhiếc «sự ươn hèn của Tây Phương !»

Và tôi cũng nhớ cái buổi chiều 24 tháng 12, 1990, trưóc đêm Giáng Sinh, Olivier Todd và bà vợ đứng biểu tình cùng không quá 15 người Việt cạnh tòa đại sứ Anh ở Paris để phản đối quyết định cưỡng bách hồi hương thuyền nhân Việt nam ở Hong Kong của chánh phủ Anh.

Tôi nhắc lại những sự kiện và việc làm mà ngày nay không còn ai tranh dành quyền lợi gì trong đó, để chứng nhận, vì lẽ công bằng, là cho dù chánh sách Tây Phương ở Việt Nam có những sai lầm vô cùng thảm khốc và tai hại, nhưng ở phương Tây vẫn có những con người và những hành vi đáng đưọc nể trọng. Trong tinh thần đó, tôi cũng xin ghi nhận phán xét của một yếu nhân có liên hệ đặc biệt với nước ta, mà tôi xin tạm dịch như sau :

«… Nhưng mỗi người Việt Nam đều mang trong người một phẩm cách bẩm sinh. Có lẽ đó là hệ quả của lịch sử đẫm máu và ác liệt của cái nước xinh đẹp đó. Người Việt không phải là loại người cam phận, đới chịu định mệnh như người Tây phương thường nghĩ về người Á đông. Họ đã chiến đấu từ nhiều thế kỷ, chém giết lẫn nhau hay chống lại ngoại xâm để tự quyết định lấy vận mạng quốc gia của mình. Và cho dù họ có lì lợm, bướng bỉnh, khó chịu như thế nào đi nữa, nhưng họ đã sinh tồn được đến ngày hôm nay, chính là nhờ cái quyết tâm đáng phục, không chịu khuất phục kẻ thù hay người đồng minh.»

TK : Những đức tính đó có được thể hiện trong quần chúng Việt Nam ngày nay không ?

TVT : Động cơ chủ yếu thúc đẩy quần chúng Việt Nam, hiển hiện trong suốt chiều dài của lịch sử, là thiên hướng sùng thượng lòng yêu nước và ám ảnh độc lập dân tộc. Bất luận người yêu nước, hay tự xưng yêu nước, có đóng góp hay có khả năng đóng góp điều gì thật sự ích nước lợi dân hay không; và bất kể độc lập dân tộc có phải trả bằng cái giá của độc lập cá nhân và quyền tự chủ của con người hay không.
Đấy là nguyên nhân khiến nước ta sản sinh ra vô số đoàn lũ yêu nước chuyên nghiệp và siêu thực, chuyên xây dựng sự nghiệp chánh trị bằng mánh khoé huyễn hoặc dư luận và lừa phỉnh lòng nhiệt thành yêu nước cùng khát vọng độc lập của quần chúng.

Trong số đoàn lũ đó, vào thời cận đại, có một cá nhân và một tập đoàn đã xây dựng nên một sự nghiệp chánh trị "vĩ đại" bằng cách vừa khai thác có phương pháp tập tính của quần chúng Việt Nam, vừa sát hại có hệ thống các nhà ái quốc chân chính và các đối thủ chánh trị có uy tín, dưới sự chỉ đạo và với sự tiếp trợ của một tổ chức sách động chánh trị quốc tế do Lênin dựng ra và do Stalin điều khiển, Đệ Tam Quốc Tế hay Komintern. Cá nhân và tập đoàn đó đã “có công thống nhất đất nước” vào trong một trại tù vĩ đại, tháng 4 năm 1975, dìm mấy thế hệ dân đen xuống hầm sâu của ngu dốt và nghèo đói, và đưa cả nước đi vào con đường tàn tạ, đến độ ngày nay, sau 25 năm đổi mới, dưới sự chỉ đạo của tư tưởng Hồ Chí Minh, Việt Nam vẫn phải cần 51 năm mới bắt kịp Nam Dương, 95 năm mới bắt kịp Thái Lan và 158 năm mới bắt kịp Singapore (theo báo cáo phát triển 2009 của Ngân Hàng Thế Giới.)

TK : Đành rằng mọi quần chúng đều có những chứng tật bẩm sinh như thế, nhưng có những trường hợp và thời điểm lịch sử đòi hỏi ta phải có một thái độ tích cực, phải đề bạt tinh thần hướng thượng và sứ mạng xoay chuyển thời thế của quần chúng. Với phong trào «Mùa Xuân Ả Rập» hiện nay, anh không nghĩ là Việt Nam đang đứng trước một thời điểm như thế hay sao ? Từ mọi phía, ở trong cũng như ở ngoài nước, dưới nhiều hình thức, vang vọng những lời kêu gọi : hãy trông người mà nghĩ đến ta, tình thế Việt Nam nay có nhiều đòi hỏi bức thiết, ta phải cấp bách rút tỉa bài học của phong trào «mùa xuân Ả Rạp», để thúc đẩy quần chúng đứng lên «cứu nguy dân tộc.»

CÒN TIẾP ....

Thường Kiến nói chuyện với Trần Văn Tòng kỳ 1